Nội Dung Bài Viết
Diablo II: Resurrected – Cái tên mà những ai tự nhận mình là game thủ đều biết đến, là một dòng game nhập vai hành động (ARPG) nổi tiếng của hãng Blizzard, là một tượng đài mà bất kỳ ai, từ người già đến trẻ nhỏ chơi game đều phải ngước nhìn khi game tung ra phiên bản mới.
Với việc Diablo III đã ra mắt cách đây hơn 9 năm, Diablo IV vẫn còn đang nằm trong xưởng sản xuất, thì Diablo II: Resurrected ra mắt trong tháng này được ví von như “ly trà sữa” nhằm giải tỏa cơn nghiền cho giới hâm mộ, cũng như những ai ưa thích thể loại game nhập vai hành động chặt chém diệt trừ quái vật này.
Trò chơi không phải là một phiên bản hoàn toàn mới mà là bản làm lại của Diablo II – phiên bản đã làm nên tên tuổi của dòng game Diablo, và bản mở rộng Diablo II: Lord of Destruction.
Dĩ nhiên, từ cốt truyện đến lối chơi của game cũng tương tự phiên bản của 21 năm về trước.
Nếu Diablo II: Resurrected và Diablo II chẳng khác gì nhau thì mục đích của việc ra mắt phiên bản làm lại này vào năm 2021 là gì?
Để kiếm thêm thu nhập cho hãng? Cũng đúng.
Để người chơi có thể ôn lại kỷ niệm ưa? Cũng lại đúng.
Với những mục đích như thế, liệu bản làm lại này có vướng phải thất bại của Warcraft III: Reforged trước kia, là một “bom xịt” chất lượng cao?
BẠN SẼ THÍCH
LỐI CHƠI HOÀN THIỆN ĐƯỢC BẢO TỒN
Là bản làm lại của phiên bản ra mắt hơn hai thập niên, Diablo II: Resurrected gần như không làm mới hay đưa ra những thay đổi nào vào lối chơi đã được hoàn chỉnh một cách hoàn hảo của Diablo 2.
Vẫn là 7 lớp nhân vật quen thuộc cho người chơi lựa chọn, vẫn những bài toán cân đo đong đếm để đạt được những chỉ số nhân vật nhất định như khả năng hồi phục nhanh khi bị dính đòn (Faster Hit Recovery), thi triển phép nhanh hơn (Faster Cate Rate), tốc độ đánh cao nhất có thể cho phép, khả năng khóa đòn đối thủ (Stun Lock), v.v.
Nếu bạn đã từng chơi đi, chơi lại Diablo 2 xưa kia thì Diablo II: Resurrected đem lại một trải nghiệm tương tự, cũng bài nhạc nền kì bí đón chào người chơi trở lại Tristram đổ nát, kỷ niệm cũ ùa về mài đít quần ở quán net để “cày” đồ cho nhân vật của mình.
Phong cách điều khiển cho đến phím tắt đều được giữ nguyên, người chơi khi đã “kinh” qua phiên bản Diablo cũ có thể điều khiển nhân vật của mình một cách thành thạo. Nhấn “R” để cho nhân vật chạy/đi bộ, nhấn “T” để mở bảng kỹ năng, nhấn F1-F8 để làm phím tắt thay đổi kỹ năng qua lại.
Chiến thuật để người chơi xây dựng nhân vật cũng được bảo tồn đến độ, bạn có thể sử dụng bản hướng dẫn xây dựng nhân vật của Diablo 2 cũ cũng có thể làm được một nhân vật có những kỹ năng và thuộc tính tương tự.
Nhìn chung, Diablo II: Resurrected là Diablo 2 trong một màu áo mới, được hãng sản xuất “sơn” lại với nước sơn mới để thu hút người chơi thế kỷ 21, cũng như ôn lại kỷ niệm xưa.
Điểm nhấn sáng chói nhất ở đây chính là việc game cho phép người chơi thiết lập lại kỹ năng, cũng như chỉ số nhân vật
Tất nhiên, dù Diablo 2 có xuất sắc đến đâu thì lối chơi của một tựa game ra mắt hai thập niên trước cũng khó được xem là hoàn hảo khi đem so với thị hiếu chơi game của người chơi hiện đại.
Diablo II: Resurrected vẫn giữ nguyên lối chơi nhưng thêm thắt một số yếu tố nhằm giúp cho việc trải nghiệm game dễ thở hơn.
Điểm nhấn sáng chói nhất ở đây chính là việc game cho phép người chơi thiết lập lại kỹ năng, cũng như chỉ số nhân vật. Điều mà phiên bản cũ không cho phép, đồng nghĩa với việc “sai một ly đi một dặm”, đặc biệt trong một tựa game đòi hỏi rất lớn vào kỹ năng điều khiển của người chơi, cũng như lên kế hoạch xây dựng nhân vật.
HÌNH ẢNH ĐƯỢC NÂNG CẤP
Điều khiến cho Diablo 2 khó đến được với giới mộ điệu hiện đại nằm ở việc hình ảnh của game chỉ hỗ trợ độ phân giải thấp, tối đa ở 800×600 và không hỗ trợ màn hình rộng. Khung hình cũng chỉ giới hạn ở mức thấp, khi bộ engine của game chỉ cập nhật ở 1/25 giây một lần, tức khung hình thực tế chỉ ở mức 25 khung hình 1 giây.
Với Diablo II: Resurrected, hình ảnh của game được làm lại theo tiêu chuẩn hiện đại, hỗ trợ nhiều độ phân giải cao cũng như khung hình mượt mà hơn. Về mặt nghe và nhìn thì Diablo II: Resurrected đã làm hoàn hảo.
Điểm sáng giá mà người viết rất quý ở Diablo II: Resurrected nằm ở việc trò chơi vẫn giữ được phong cách, cái hồn của Diablo 2 xưa mà không “hoạt họa”, đánh màu một cách quá đáng như “vết xe đổ” Diablo III, hay màu sắc quá đáng, thô kệch như Warcraft III: Reforged.
Về mặt mỹ thuật, Diablo II: Resurrected đã thể hiện rõ Diablo 2 là một tuyệt phẩm khi thể hiện được sự chết chóc, u ám và bi kịch của thế giới Sanctuary, giữa cuộc tranh đấu giữa người, thiên thần và ác quỷ.
Một điểm đặc biệt nữa là người chơi có thể chuyển qua lại giữa hình ảnh mới và cũ ngay trong lúc chơi để so sánh điểm khác biệt trong hình ảnh giữa bản làm lại và bản cũ. Đây là một yếu tố hay và đáng có mà những tựa game làm lại nên có.
Điểm sáng giá mà người viết rất quý ở Diablo II: Resurrected nằm ở việc trò chơi vẫn giữ được phong cách, cái hồn của Diablo 2 xưa mà không “hoạt họa”, đánh màu một cách quá đáng như “vết xe đổ” Diablo III
BẠN SẼ GHÉT
GAME CÒN SẠN…
Hạt sạn lớn nhất chính là việc máy chủ trò chơi hiện tại không ổn định. Hiện tượng giật, lag diễn ra thường xuyên là điểm trừ lớn nhất của Diablo II: Resurrected.
Ngoài ra, nhân vật đôi khi bị… biến mất, hay người chơi không thể lựa chọn được nhân vật để bắt đầu game cũng là một trong hàng loạt lỗi xuất hiện trong game. Đang chơi game mà bị văng cũng là một tình huống quen thuộc với nhiều game thủ trải nghiệm Diablo II: Resurrected.
Lỗi xuất hiện trong Diablo 2 cũng hiện diện trong bản làm lại này, đơn cử như “Next Hit Always Miss” là một lỗi khó chịu trong bản cũ, khi nhân vật ra đòn đánh nhưng… không dính do trước đó đã thực hiện động tác đỡ đòn, hồi đòn, né đòn hay bị choáng.
Lỗi khó chịu này sẽ càng khó chịu khi người chơi sử dụng nhân vật có nhiều chiêu thức đánh giáp là cà, bị bủa vây bởi hàng tá quái địch. Lỗi này cũng là nguyên nhân mà phần lớn những dạng xây dựng nhân vật thông dụng nhất đều là các nhân vật có khả năng bắn xa hay thi triển phép thuật.
Hạt sạn lớn nhất chính là việc máy chủ trò chơi hiện tại không ổn định
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post