Nội Dung Bài Viết
Demon Slayer – Gần đây, một bộ truyện tranh và anime đã nổi lên như một hiện tượng, đem lại làn gió mới trong nền “công nghiệp không khói” của Nhật Bản, vốn vẫn được thống trị bởi những bộ truyện dài chục năm như One Piece hay Naruto.
Bộ truyện đó có tên là Kimetsu no Yaiba, nổi tiếng ở Việt Nam với tên gọi Thanh Gươm Diệt Quỷ.
Tất nhiên, với một tựa truyện thành công như vậy thì các hãng lớn không thể nào bỏ qua, và SEGA, với sự hợp tác với CyberConnect2 vốn đã quá sành sỏi những tựa game chuyển thể từ anime, đã ra mắt Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles.
Vậy tựa game này có xứng danh với bộ manga và anime hay không? Bạn đọc hãy cùng Tải Game 247.asia tìm hiểu nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Cực kỳ trung thành với nguyên tác
Khi ra mắt Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles, SEGA và CyberConnect2 đã hứa hẹn một tựa game khiến “người hâm mộ bộ truyện tranh và anime phải nức lòng”, đồng thời “lôi cuốn cả những người chưa bao giờ đọc hay xem Kimetsu no Yaiba.”
Quả thực, CyberConnect2 đã hoàn thành lời hứa của họ, khi trong chế độ Story Mode, tựa game gần như là một bản sao của anime Kimetsu no Yaiba mùa Một, chỉ khác giờ đây các nhân vật được chuyển thành dạng 3D, và có chiến đấu do người chơi điều khiển.
Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles bao trùm toàn bộ mạch truyện của anime mùa Một, nghĩa là từ đầu khi gia đình của Tanjiro bị giết cho tới tận hết Mugen Train (Chuyến Tàu Vô Tận), với từng chương trong game được chia ra tương ứng với mỗi chuyến đi của Tanjiro, em gái Nezuko và những người bạn.
Đối với những bạn đọc chưa từng xem Kimetsu no Yaiba (Thanh Gươm Diệt Quỷ), câu chuyện bắt đầu khi cậu bé Kamado Tanjiro đi ra ngoài bán củi để có thể mừng năm mới với gia đình của mình. Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, cậu bàng hoàng thấy cả nhà đã bị tàn sát, trừ em gái Kamado Nezuko còn đang thoi thóp.
Sau đó, cậu gặp Tomioka Giyu, một Kiếm Sĩ Diệt Quỷ đang trên đường làm nhiệm vụ. Giyu thoạt đầu định giết Nezuko vì cô bé đã biến thành quỷ, tuy nhiên xét thấy Nezuko khác với những con quỷ còn lại, anh đã đưa cho Nezuko một thanh tre để cô bé cưỡng lại được việc ăn thịt người.
CyberConnect2 đã hoàn thành lời hứa của họ, khi trong chế độ Story Mode, tựa game gần như là một bản sao của anime Kimetsu no Yaiba mùa Một
Thế là cuộc hành trình của Tanjiro bắt đầu, khi cậu lên đường gia nhập Sát Quỷ Đội đi tìm phương thức phục hồi Nezuko về con người, và tìm kẻ đã giết gia đình để trả thù.
Cốt truyện của Kimetsu no Yaiba vốn đã rất hay, nặng tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, chứa đựng nhiều khoảnh khắc hồi hộp, hấp dẫn, và tất nhiên không thiếu những khoảnh khắc gây cười sảng khoái, và hầu hết đã được truyền tải qua Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles dưới một định dạng hoàn toàn mới.
Những người hâm mộ sẽ được sống lại những khoảnh khắc hấp dẫn nhất của bộ anime với những phân cảnh được trau chuốt kỹ càng ở 60 FPS và có thể là 4K, nếu bạn sở hữu một chiếc TV 4K, và một số phân cảnh khác làm “nền” cho câu chuyện sẽ được mô tả dưới dạng những mảnh ký ức, đại khái sẽ là một bản trình chiếu những tấm ảnh được lấy trực tiếp từ anime, kèm với lồng tiếng nhân vật.
Cốt truyện của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles hoàn chỉnh tới nỗi, theo đánh giá của người viết, ai chưa xem mùa Một của anime có thể chơi game này và hiểu được 99% những gì đã xảy ra trong cả mùa Một và bộ phim “Chuyến Tàu Vô Tận”, và có thể nhảy vào xem mùa Hai và sành sỏi như người hâm mộ lâu năm.
Chiến đấu mãn nhãn!
CyberConnect2 đã quá quen tay làm những tựa game chuyển thể từ manga/anime, và thật khó để studio này có thể thất bại trong khía cạnh chiến đấu của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles.
Chiến đấu trong Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles thuộc thể loại “đối kháng trong đấu trường” (arena fighting) như những tựa game tiền nhiệm của studio này, như dòng Naruto Storm.
Thoạt đầu, chiến đấu có vẻ khá đơn giản khi bạn chỉ có đòn liên hoàn (combo) nhẹ, mạnh và tuyệt kỹ, nhưng dần dần bạn sẽ phải học cách né đòn, phản đòn, và sử dụng những kỹ năng phù hợp cho tình huống bằng cần gạt trái.
Sau đó, bạn sẽ phải học cách sử dụng thanh kỹ năng đặc biệt một cách hợp lý, căn thời gian đỡ đòn, và sử dụng đồng minh hiệu quả để có thể tránh được đòn tấn công huỷ diệt của địch.
những trận chiến với quái trùm là điểm mạnh nhất của tựa game, gay cấn, hấp dẫn, hoàn toàn phô bày hệ thống chiến đấu tốc độ cao và đẹp mắt của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles
Chiến đấu dần dần sẽ trở nên phức tạp, và sẽ có một số quái trùm đặc biệt “khoai”, đòi hỏi người chơi nắm rõ kỹ năng của nhân vật, đồng thời nhanh tay nhanh mắt để né, đỡ đòn và đổi nhân vật nếu không muốn bị “ăn hành”.
Nhắc tới quái trùm, những trận chiến với quái trùm là điểm mạnh nhất của tựa game, gay cấn, hấp dẫn, hoàn toàn phô bày hệ thống chiến đấu tốc độ cao và đẹp mắt của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles, đồng thời đưa vào những cơ chế QTE vô cùng khớp với cốt truyện, khiến người viết nhiều lúc cảm tưởng như thực sự chìm vào thế giới Thanh Gươm Diệt Quỷ vậy.
Tóm lại, có thể cơ chế chiến đấu không quá cầu kỳ và phức tạp đối với những fan game đối kháng lâu năm, nhưng cơ chế này cũng đủ đem đến sự phấn khích dành cho những fan hâm mộ của bộ truyện.
Đồ họa “nuột”!
Có thể nói Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles đã tận dụng tối đa sức mạnh của PS5, đem tới cho người dùng một trải nghiệm mỹ mãn với những trận chiến 60 khung hình/giây, những phân cảnh 4K màu sắc và chi tiết, cùng với âm thanh vòm chất lượng cao.
Bạn có thể lựa chọn giữa chế độ hiệu năng cao để đẩy tựa game lên 60 FPS hoặc chế độ đồ họa để giữ tựa game ở 30 FPS, tuy nhiên nếu để ở 60 FPS, một số phân cảnh vẫn sẽ tụt xuống 30 FPS.
Điều này lại khá đáng tiếc trong chiến đấu, vì khi nhân vật dùng tuyệt chiêu, những tuyệt chiêu đều được tính là “phân cảnh” và sẽ chỉ được chạy ở 30 FPS, khiến cho chiến đấu đôi khi cảm giác bị đứt gãy khi chuyển liên tục giữa 60 FPS và 30 FPS nếu người chơi xài tuyệt chiêu nhiều.
Dẫu sao thì ở các mảng khác trong cốt truyện, tựa game chạy khá mượt ở 60 FPS và không có hiện tượng trồi sụt, khiến cho trải nghiệm chơi game suôn sẻ và mãn nhãn.
tựa game chạy khá mượt ở 60 FPS và không có hiện tượng trồi sụt, khiến cho trải nghiệm chơi game suôn sẻ và mãn nhãn
BẠN SẼ GHÉT
Khám phá, thà không có còn hơn…
Bố cục cốt truyện của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba – The Hinokami Chronicles giống hệt Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 4 (thậm chí trình đơn còn như là bản sao của Naruto Storm 4), tuy nhiên CyberConnect2 đã cố gắng cải tiến bằng cách đưa vào những phân đoạn nơi người chơi điều khiển nhân vật để tự tay đi “khám phá” theo mạch truyện giữa các trận đánh nhau.
Quả thực, thà rằng những phân cảnh này… biến thành anime luôn còn hơn!
Chúng xuất hiện dày đặc và thường là dài lê thê, nói là “khám phá” cho sang chứ thực ra hầu hết chỉ là chạy theo một đường thẳng tuyến tính, với một số nhánh cụt chứa vài thứ bí mật như điểm Kimetsu để mua trang phục, hoặc là mảnh cốt truyện.
Vùng được khám phá thì cảm giác trống trải, không có sức sống, vùng nào cũng cảm giác như một cái đường hầm dài dằng dặc và người chơi chỉ việc nhấn nút điều khiển con tàu chạy dọc theo đường băng, vô cùng nhàm chán.
Đó là chưa kể Tanjiro còn chạy chậm như rùa, thực sự tăng cao sự sốt ruột của người chơi để có thể tiếp tục được cốt truyện.
Chúng xuất hiện dày đặc và thường là dài lê thê, nói là “khám phá” cho sang chứ thực ra hầu hết chỉ là chạy theo một đường thẳng tuyến tính
Chiến đấu qua mạng tệ!
Nếu bạn muốn thử chiến đấu qua mạng (online), thì bạn hay chuẩn bị tinh thần đợi tầm… 10 phút để có trận, vì có vẻ như không có nhiều người đang chơi tựa game này qua mạng lắm.
Và nếu bạn may mắn (như người viết, đúng một lần) ghép được trận, thì khá đáng tiếc, chức năng chiến đấu mạng lại không ổn, khi có quá nhiều độ trễ giữa việc bấm nút và việc nhân vật thực hiện kỹ năng, và có lúc còn bị ngắt kết nối giữa trận.
Tóm lại, tựa game tốt nhất nên được chơi ở chế độ “solo” (chơi đơn) hoặc đấu tại chỗ, cho tới khi CyberConnect2 nâng cấp chế độ chơi mạng của họ.
chức năng chiến đấu mạng lại không ổn, khi có quá nhiều độ trễ giữa việc bấm nút và việc nhân vật thực hiện kỹ năng, và có lúc còn bị ngắt kết nối giữa trận
Không có tiếng Việt!
Tất nhiên là người viết không có vấn đề gì với việc đọc hiểu bằng tiếng Anh, tuy nhiên với tư cách một người hâm mộ Kimetsu no Yaiba, thì việc chơi bằng tiếng Anh sẽ đem lại một vài “thử thách” nếu bạn đã quen với những cụm danh từ bằng tiếng Việt.
Tỉ như các kỹ năng của Tanjiro thôi, khi bạn đã quá quen với Hơi Thở của Nước: Thức Thứ Sáu: Liệt Oa, hay Thức Thứ Hai: Thủy Xa, thì khi đọc thấy cái gì mà Sixth Form: Whirlpool hay Second Form: Water Wheel, bạn sẽ phải mất một lúc để hiểu xem nó tương ứng với cái gì!
Khác với những tựa anime khác, Kimetsu no Yaiba sử dụng rất nhiều cụm danh từ Hán Việt khi được dịch sang tiếng Việt như Sát Quỷ Đội, Trụ Cột, Thập Nhị Quỷ Nguyệt, v.v. do đó bạn sẽ mất ít thời gian làm quen với những cụm từ tiếng Anh “mới cóong” của game.
bạn sẽ mất ít thời gian làm quen với những cụm từ tiếng Anh “mới cóong” của game
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post