Nội Dung Bài Viết
Eastward – Nhiều năm gần đây, “hậu tận thế” có vẻ như là một đề tài rất thịnh hành trong giới giải trí – dù đó là phim ảnh, sách vở hay thậm chí là cả game.
Dường như việc nhân loại đang từng bước bào mòn sinh mệnh của Mẹ Thiên Nhiên và đi đến bước đường cùng là một kết quả tất yếu quá hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy được – thế nên cái đề tài dạng “điềm báo” này sẽ cho người ta thỏa sức tưởng tượng rằng “sau đó thì sẽ thế nào”.
Được “tinh tuyển” và phát hành bởi Chucklefish, hãng game “bậc thầy” chuyên trị thể loại đồ họa pixel-art chất lượng cao cùng nhiều siêu phẩm dưới tay như Wargroove và Pathway, dĩ nhiên Eastward sở hữu nền đồ họa xuất sắc là lẽ đương nhiên.
Tuy vậy, dường như bên trong tựa game này còn tiềm ẩn nhiều thứ khác nữa – vậy nên để đi sâu hơn và tìm hiểu cho rõ ngọn ngành, mời bạn đọc Tải Game 247.asia đến với bài đánh giá sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
Một thế giới kỳ ảo đến khó ngờ
Chucklefish từ xưa đến nay đã là “tay tổ” trong mảng game pixel-art, vì vậy không có gì lạ khi dù với tư cách nhà phát hành, hãng cũng cực kỳ “bén duyên” với những nhà phát triển “đồng tông, đồng phái” như Pixpil.
Với mật độ pixel rất cao nhưng dừng lại vừa đủ để không biến thành game HD, Eastward sở hữu cho mình một “bộ cánh” đồ họa cực kỳ ấn tượng. Với tông màu vừa đủ tươi sáng mà không quá bắt mắt, hòa trong một tông trầm nhàn nhạt tựa như ánh nắng yếu ớt cuối ngày, Eastward mang người chơi vào một thế giới hậu tận thế của riêng mình, mà dường như là “độc nhất vô nhị”.
Với Eastward, yếu tố “hậu tận thế” được thể hiện không tàn khốc hay hoang tàn như thường thấy, mà nó nằm trong những chi tiết được bố trí một cách ý nhị, khéo léo xuyên suốt cả tựa game.
Đấy có thể là việc loài người bây giờ cư trú ở bất cứ nơi nào có thể – từ hầm mỏ bỏ hoang cho đến các khoảnh đất nơi bìa rừng, đấy cũng có thể là sự thiếu vắng các tòa nhà hiện đại mà thay vào đó là người ta sống trong những chiếc xe bus cũ, hoặc đó là sự bùng phát đến diệu kỳ của các khoảng xanh thiên nhiên do từ lâu đã không có bàn tay phá hoại của loài người.
Điểm nhấn sáng tạo nhất nơi Eastward, đó chính là việc studio Pixpil đã chứng tỏ sự tài hoa, bay bướm của mình thông qua việc họ không chỉ vẽ một tựa game – mà họ kiến tạo nên cả một thế giới. Nói như vậy, là bởi vì Eastward ẩn tàng vô số những điểm lặt vặt mà thông thường sẽ bị bỏ qua khi các hãng game nhắm tới việc “vẽ cho đẹp là đủ”.
Có thể nói đến cái nét duyên của hằng hà sa số các nhân vật trong game từ chính đến phụ. Tuy bị hạn chế bởi kích thước của phong cách tạo hình pixel-art, thế nhưng mỗi một con người trong Eastward đều được chăm chút làm riêng, và tựa hồ đều mang linh hồn của riêng họ.
Điểm nhấn sáng tạo nhất nơi Eastward, đó chính là việc studio Pixpil đã chứng tỏ sự tài hoa, bay bướm của mình thông qua việc họ không chỉ vẽ một tựa game – mà họ kiến tạo nên cả một thế giới
Từ nhóm những đứa trẻ bạn của Sam vẫn thường quây quần bên chiếc máy game thùng cũ rích bên ngoài tiệm tạp hóa, suốt ngày cãi cọ với nhau nhưng vẫn chan hòa tình bạn.
Hay đến những người phu mỏ bạn đồng nghiệp với John, người thì ân cần quan tâm, người thì lười nhác trốn việc.
Cho đến cả những NPC dọc đường “Đông Du Ký”, như cụ ông cụ bà thanh thản tận hưởng cuộc sống riêng, hay những người vô gia cư lang bạt nơi hẻm tối…
Tất thảy đều được Eastward khắc họa lại một cách tỉ mỉ, sống động hết mức có thể.
Độ tận tâm, thành ý của đội ngũ Pixpil còn được thể hiện qua những khung hình vẽ cực kỳ chăm chút cả về bố cục và thủ pháp đồ họa, dù chỉ ở những “miếng đệm” có tác dụng kết nối các bản đồ với nhau.
Không có một khung cảnh hay xó xỉnh nào trong Eastward mà tỏ ra là nhếch nhác, qua loa, hay thiếu chăm chút cả. Bằng một cách nào đó, Eastward tạo cho người chơi cảm giác rằng đây không phải là một thế giới hư cấu, một sản phẩm game đơn thuần – mà trong đó là cả một trái tim đang căng tràn sức sống và nhịp đập.
Có thể nói, phong cách đồ họa của Eastward là một sự dung hòa ý nhị và hoàn mỹ của các bộ phim hoạt hình 2D Ghibli với thế giới giả tưởng trong Dorohedoro: tuy phảng phất sự hoang tàn u uất của một nền văn minh đã sụp đổ, nhưng chẳng hề thiếu đi sức sống của hy vọng và hơi ấm của tình người.
Lối chơi êm dịu, dễ nắm bắt!
Một ông chú lầm lì đầu tóc bờm xờm, dẫn theo một cô bé gái hiếu động nhưng lại vô cùng đáng yêu và tinh nghịch. The Last of Us chăng? Bậy nào, là Eastward đấy chứ?
Câu chuyện trong Eastward xoay quanh anh thợ mỏ “đa nghề” John, trong một lần đi khai thác các công trình bỏ hoang dưới lòng đất đã tình cờ “đào” được Sam, một cô bé con sống trong bình hóa nghiệm với siêu năng lực kỳ ảo.
Cuộc sống “gà trống nuôi con” bất đắc dĩ của John trong cái thế giới điêu tàn này bỗng chốc trở nên sinh động và ý nghĩa hơn, với nhiều tính huống dở khóc dở cười.
Vì nhiều nguyên nhân (người viết không muốn tiết lộ sự thú vị), hai “cha con” đành dắt díu nhau “Đông Du Ký” – và hành trình ý vị nhưng cũng không kém phần gian truân, nhọc nhằn này đã để lại cho họ, lẫn người chơi, nhiều kỷ niệm đẹp.
Eastward có khá nhiều điểm tương đồng với dòng game The Legend of Zelda, khi pha trộn yếu tố phiêu lưu và giải đố với các tỉ lệ khác nhau tùy phân cảnh – đan xen với những pha chiến đấu với góc điều khiển cố định 4 hướng.
Cả hai nhân vật John và Sam đều có thể điều khiển được, và năng lực cá nhân của từng người chính là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong game.
Chẳng hạn như John với “Phi Chảo Đại Pháp” có thể giải quyết hầu hết kẻ địch trong game, từ lính đến boss, bằng cái… chảo siêu phàm của mình. Còn Sam tuy sức chiến đấu có yếu hơn, nhưng khả năng đóng băng mục tiêu bằng siêu năng lực của cô lại diệu dụng cả trong việc đánh nhau lẫn giải đố.
Bàn về giải đố, các câu đố trong Eastward trải dài hết cả tựa game với một mật độ vừa phải và độ khó không quá “nổ não”.
Chúng tồn tại ngay cả trong các phân cảnh chiến đấu khi thúc ép người chơi phải biết kết nối và tận dụng mọi thứ trong địa hình để chiến thắng, và dĩ nhiên là trên bước đường phiêu lưu – nơi mà chúng là các điểm then chốt để tiếp tục hành trình hoặc mở khóa những khu vực ẩn.
Nói ngắn gọn, chơi Eastward là để thật sự trải nghiệm việc sống và du hành trong một thế giới “hậu tận thế”, nơi mà mọi thứ đều đang còn sống theo cái cách riêng của nó.
Thiên nhiên nếu không có bàn tay con người “chọc ngoáy” thì nó sẽ phát triển như thế nào, hay thiếu đi các tiện nghi hiện đại thì con người sống tiếp ra làm sao…
chơi Eastward là để thật sự trải nghiệm việc sống và du hành trong một thế giới “hậu tận thế”, nơi mà mọi thứ đều đang còn sống theo cái cách riêng của nó
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post