Nội Dung Bài Viết
Expeditions: Rome – Lịch sử, cho dù ở phương Tây hay phương Đông, thuộc chí tuyến Bắc hay vòng Nam cực, là một chủ đề thú vị được nhân loại bàn tán không nguôi, nhưng lại có rất ít người có khả năng xoay chuyển nó mà không động chạm đến tín ngưỡng hoặc văn hóa của một bộ phận không nhỏ.
“Viết lại lịch sử” là một hành động bẻ gãy sự thật để phục vụ kế hoạch chính trị, nhưng khi nó được thực hiện với mục đích giải trí thì phải kèm theo mức độ cẩn trọng cao, nếu không muốn bị dán mác “bất kính”.
Đối với video game, điều này đã từng được thực hiện xuất sắc trong dòng game Assassin’s Creed từ năm 2017 trở đi, khi những chỗ trống trong lịch sử là “mỏ vàng” để các nhà làm game lấp đầy bằng sự hiện diện của các nhân vật và sự kiện hoàn toàn độc nhất.
Nhưng đồng thời, Assassin’s Creed không phải là kiểu game cho người chơi thao túng lịch sử. Đó là việc của thể loại game nhập vai, và nay Logic Artists quyết định viết nên một áng văn “I, Claudius” của riêng họ với phiên bản thứ ba của dòng game Expeditions, mang tên: Expeditions: Rome.
BẠN SẼ THÍCH
“TA TỚI, TA THẤY, TA CHINH PHỤC”
Được sắp đặt, viết và dẫn dắt như cuốn hồi kí của một tướng lĩnh La Mã (legate) do người chơi tạo dựng dưới thời Julius Ceasar, Expeditions: Rome đẩy họ vào một cuộc phản loạn dẫn đến người cha bị ám sát, người mẹ và em gái lưu lạc tại quê nhà, và một câu chuyện chia rẽ thân tâm họ giữa mối thù riêng và lòng trung thành với Rome đang trong giai đoạn chuyển hóa từ Cộng hòa thành Đế quốc.
Cho dù người chơi có chu du đến Tiểu Á hay Ai Cập, thì Rome vẫn là trái tim, là máu mủ của nhân vật chính. Chiến dịch dài hơn 40 giờ chơi trong Expeditions: Rome đại diện cho một cuộc chiến tranh tư tưởng gần giống với Ceasar đối đầu Pompey, nhưng được thay vai đổi vế bởi những nhân vật mới.
Vitellius Lurco, kẻ thủ ác chính của trò chơi, là mẫu người tàn nhẫn có tham vọng riêng dành cho Rome, và điều đó xung khắc hoàn toàn với tư tưởng của nhiều đồng đạo bấy giờ. Một trong số đó là Cato Trẻ, đối thủ của Julius Ceasar và được xem như là kim chỉ nam đạo đức của người chơi trong Expeditions: Rome, trong đó đức hạnh của người chơi quyết định xem họ có đáng nhận được sự giúp đỡ của ông hay không.
Một danh nhân khác cũng góp mặt trong trò chơi là tướng lĩnh Lucius Licinius Lucullus, người từng chinh phục cụm vương quốc phía Đông sau khi toàn thắng ở chiến tranh Mithridatic lần ba, một sự kiện mà kỳ này do nhân vật của người chơi chủ trì và tham gia.
Ông là một đồng minh thân cận và cũng là mấu chốt dẫn đến 3/4 còn lại câu chuyện của trò chơi, bao gồm một cuộc lật đổ ách trị vì của Ptolemy mà trong đó người chơi “bảo kê” cho Cleopatra, cũng như truy tìm gián điệp giữa lòng lục địa châu Âu nơi mà người Gaul chia tách thành những bộ tộc dẫn dắt bởi các ông vua có tên nhiều hơn 4 âm tiết.
một câu chuyện chia rẽ thân tâm họ giữa mối thù riêng và lòng trung thành với Rome đang trong giai đoạn chuyển hóa từ Cộng hòa thành Đế quốc
Lối dẫn truyện của Expeditions: Rome tuy không có quá nhiều cao trào nhưng bình ổn trong chiều dài 40 giờ đồng hồ, nhờ vào giọng lồng tiếng (cho toàn bộ các nhân vật) khá ổn thỏa và nội dung mang tính cá nhân đối với nhân vật chính. Điều đó có nghĩa game không thả một cuốn sách giáo khoa lên đầu người chơi, mà gói gọn những thông tin cần thiết như danh xưng, vai vế của các cấp bậc lãnh đạo trong bộ máy La Mã, hay thậm chí là tiếng lóng trong một trình đơn Codex đơn giản, và việc của người chơi chỉ là bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
Thang đo đạo đức của nhân vật chính hoàn toàn được lèo lái bởi chính người chơi, và cho dù thái độ hay góc nhìn của bạn là như thế nào đi chăng nữa, Expeditions: Rome đều luôn phản hồi bằng tính “thực tế lịch sử” nhất định – chẳng hạn như nếu vào vai một tướng lĩnh nữ, sẽ có vô số NPCs bất mãn hoặc đặt ra dấu chấm hỏi về cương vị của bạn dẫu cho những vinh quang mà bạn giành được.
Đó là điều không thể tránh khỏi và cũng không thể lên án một cách trắng đen, bởi một con người đơn lẻ dù cho quyền lực đến đâu cũng không thể thay đổi thiên kiến cả một xã hội trong thời gian ngắn ngủi.
Expeditions: Rome có một câu chuyện mà nó muốn kể, một số nhân vật cộm cán trong lịch sử không có kết cục giống với ngoài đời, nhưng câu chuyện mà nó kể đảm bảo một lòng tôn trọng nhất định với sử sách, với lòng tự tôn, nhận thức và ý chí của người La Mã thời bấy giờ.
Chủ đề “chiến tranh tư tưởng” còn len lỏi vào dàn nhân vật phụ với khác biệt về gốc gác và lòng trung thành. Hai trong số đó, Julia Calida – một nữ gián điệp dưới lệnh Lucullus, và Deianeira, một nô lệ bị ép trở thành đấu sĩ, có cùng chung động lực là trả thù, nhưng có lẽ mục tiêu đó thực chất là cú trả đũa dành cho một xã hội bất bình đẳng chà đạp lên những con người như họ, hơn là dành cho những người cận kề đã khuất. Caeso, một chiến binh kỉ luật và luôn sẵn sàng hi sinh cho Cộng hòa La Mã, lại lúng túng khi đối diện thực tế tréo ngoe hình thành từ lối sống buông thả của anh; Bestia, cũng là một đấu sĩ nhưng với niềm kiêu hãnh mãnh liệt phải học cách coi bạo lực là phương kế chứ không phải lẽ sống. Và với Syneros, người cố vấn già trung thành của bạn, Rome không có chỗ cho ông và ông cũng sẵn lòng rời bỏ cuộc đời khi xung đột giữa người trần chấm dứt.
“PARA BELLUM!”
Tương tự với hai phiên bản trước, Expeditions: Rome vẫn sử dụng lối thiết kế chiến đấu theo lượt tất định, giảm thiểu các yếu tố may rủi như số phần trăm (chỉ được ứng dụng khi tính toán độ chính xác của cung thủ). Điều này khiến cho chiến đấu trong trò chơi giống với… cờ vua hơn là Dungeons & Dragons bởi bạn có thể khống chế mọi tình huống có thể xảy ra, như xác định nhân vật đánh chí mạng vào lúc nào, đỡ sát thương ra sao.
Thay đổi lớn nhất là hệ thống chỉ số từ bản Expeditions: Viking bị xóa hẳn, người chơi chỉ cần chọn một trong ba kĩ năng đối thoại khi khởi tạo nhân vật, và tiến triển nhân vật kể từ đó sẽ hoàn toàn dựa vào cây kĩ năng chiến đấu được cấp bởi điểm kinh nghiệm.
Chỉ số kháng cự sát thương cận chiến và tầm xa nay được thay thế bằng kháng sát thương đâm, chém và đập. Khiên sẽ hút toàn bộ sát thương cho tới khi “hết xí quách”, khiến mũi tên bật nảy khi va chạm nhưng có thể bị giáo ném (pila) đâm vỡ. Điều này tạo nên những chiến thuật dạng “bao búa kéo” kiểu như lấy sát thủ phá giáp bộ binh, lấy bộ binh tập trung sự chú ý của cung thủ, lấy cung thủ hạ sát thủ bằng sát thương thuần.
Một thay đổi khá kì quái khác là bên cạnh 6 khe kĩ năng cho phép người chơi gán kĩ năng đã được mở khóa, từng vũ khí và khiên có thêm một bộ kĩ năng riêng, hoạt động tương tự kĩ năng thường nhưng không tốn Focus (số “mana” tạm thời xuất hiện trong giao chiến). Bạn có thể bắt gặp hai chiếc khiên trong y chang nhau, nhưng một cái cho phép nhân vật “cắm trụ” và phản hết sát thương từ mọi nguồn cho đến hết lượt, cái còn lại có thể dùng để đập hoặc đẩy kẻ địch lùi đi một ô.
Nghe có vẻ quái gở, nhưng thực tế nó rất phù hợp với hệ thống phi-chỉ-số của trò chơi, bởi giờ đây lựa chọn vũ khí của bạn sẽ không bị bó buộc vào lớp nhân vật hay chỉ số cụ thể của nhân vật, mà bạn chỉ cần xem xét xem liệu loại sát thương của bộ kĩ năng vũ khí có đang thiếu hoặc thừa hay không.
Điều này khiến cho xây dựng nhân vật trong Expeditions: Rome khá mềm dẻo. Cung thủ chuyên bắn sát thương cao ở tầm xa vẫn có thể chọn kĩ năng và vũ khí phục vụ cho lối chiến đấu “tỉa máu càng nhiều càng tốt”, hay bộ binh cầm khiên có thể phòng thủ và “debuff” mạnh mẽ không kém lính hỗ trợ. Tất cả tùy thuộc vào nhu cầu của người chơi và trò chơi cũng chẳng cần đến tính năng “respec”.
Bên cạnh 5 nhân vật đồng hành chính, người chơi có thể thuê thêm lính cận vệ (Praetorian) để tham chiến trong các trận chiến không cần đến “tay to”, hoặc vì một lý do nào đó mà bạn đồng hành không có mặt.
Số lượng nhân vật trực tiếp giao chiến lên đến 10 – 12 sẽ không xuất trận toàn bộ trong quá trình chinh phục Hy Lạp, Ai Cập và Gaillia, mà chủ yếu để phục vụ các trận công thành và để có lính “dự bị” cho mọi cuộc tranh đấu.
Người chơi di chuyển trên bản đồ lớn cùng nhóm quân nhỏ bao gồm các nhân vật đồng hành và lính cận vệ, thực hiện khám phá bản đồ, thu thập tài nguyên, thăm viếng các khu vực mới mà không cần phải dựng trại để nghỉ ngơi như trước đây.
Thay vào đó những sự kiện ngẫu nhiên (và đôi khi là cả theo kịch bản) trình bày dưới dạng “Choose Your Own Adventure” vẫn xuất hiện, tùy vào lựa chọn mà bạn thực hiện, thỉnh thoảng thưởng hoặc trừ tài nguyên, khiến thành viên trong tiểu đội bị thương, gây cản trở đến quân lực của kẻ thù trong tương lai, hay thậm chí khiến nhân vật chính… chí tử!
chiến đấu trong trò chơi giống với… cờ vua hơn là Dungeons & Dragons bởi bạn có thể khống chế mọi tình huống có thể xảy ra
Mỗi chiến dịch sẽ khép lại bằng một trận công thành chiến và chúng là điểm sáng lớn nhất trong toàn bộ các cuộc chạm trán trong trò chơi. Tùy theo kịch bản, bạn sẽ phải chia đội ra hai hoặc ba nhóm quân nhỏ lẻ thực hiện vai trò khác nhau, chẳng hạn như một nhóm tấn công trực diện, hạ càng nhiều địch càng tốt để nhóm còn lại lẻn vào thành và cứu một NPC quan trọng. Hai nhóm hoạt động tuần tự với một lượt sử dụng máy bắn đá xen giữa, nhưng bởi lệnh bắn không được thực hiện cho tới sau lượt đi của đối thủ, người chơi sẽ phải nhạy bén lấp các điểm thuận lợi của kẻ thù bằng đá lửa, nhắm thẳng vào ngõ hẹp và cả phá rào chắn cho tổ đội.
Công thành chiến kịch tính hơn hẳn các trận chiến thường khi người chơi phải tham gia vào các cuộc chạm trán liên tục, chẳng hạn như chiếm giữ một doanh trại nhỏ vào buổi đêm, và tiếp tục phòng thủ vào sáng hôm sau, tức nhân vật nào yếu máu hoặc bị thương đều sẽ giữ nguyên tình trạng cho tới khi thực sự kết thúc trận công thành.
Những trận đấu dài hơi này là kết thúc mãn nhãn cho từng chương trước khi người chơi quay trở về Rome, gặp gỡ gia đình và tiếp tục vướng vào vòng xoáy chính trị ở quê nhà.
BẠN SẼ GHÉT
VẬN MỆNH DỄ ĐOÁN
Chiến đấu theo lượt được đơn giản hóa và cải biên giúp người chơi dễ nắm bắt hơn. Nhưng ở phía bên kia, lối chơi “chinh phục” diện rộng trên bản đồ lớn tuy thay đổi đáng kể lại trở nên lặp lại, nhàm chán và tách rời khỏi phần còn lại của Expeditions: Rome.
Mỗi bản đồ lớn trong chiến dịch được chia thành nhiều phần nhỏ, và nhiệm vụ của bạn là thu phục từng phần nhỏ bằng cách gửi quân đoàn tấn công các tiền đồn của từng khu. Phần chơi này được trình bày dưới dạng kịch bản tuyến tính và bạn sẽ sử dụng thẻ trận để xử lý tình huống.
Quân đoàn bao gồm bách binh (centurion) dẫn quân, số lượng lính, nhuệ khí (đo lường sức mạnh của quân), tỷ lệ bách binh tử nạn, và các tấm thẻ sẽ ảnh hưởng các chỉ số này qua 3 – 4 lượt tình huống. Chẳng hạn như nếu quân bạn áp đảo số lượng của địch, bạn có thể chọn thẻ tấn công trực diện, giảm thiểu trực tiếp số quân của địch.
Nếu yếu thế hơn, bạn nên tăng nhuệ khí và giữ an toàn cho bách binh. Cuối trận, người chơi có thể cho quân ăn mừng giúp tăng nhuệ khí, san bằng quân địch giúp tăng phần thưởng, hoặc cứu thương cho lính tráng giảm thiệt hại sau cùng.
Người chơi cũng có thể chế các tấm thẻ đặc biệt với số lần dùng có hạn, khá mạnh mẽ và có khả năng xoay chuyển cục diện tình huống, chẳng hạn như máy bắn đá trừ thẳng một lượng địch nhất định.
Tuy nhiên có lẽ bạn sẽ không tận dụng chúng là mấy bởi khuyết điểm lớn nhất của mục chơi này là nó… quá dễ! Dẫu cho đưa ra nhiều tình huống và cách thức xử lý, thực chất thứ duy nhất mà bạn chỉ cần quan tâm là số lượng quân, áp đảo địch càng nhiều và bạn dễ dàng dành phần thắng, nếu thiếu quân thì bạn có thể tái nạp bằng cách… mua thêm nhân lực ở doanh trại.
Nó dễ đến mức bạn hoàn toàn chơi theo kiểu “não ở chế độ tự động” và hoàn thành game mà không thua bất kỳ lần nào.
lối chơi “chinh phục” diện rộng trên bản đồ lớn tuy thay đổi đáng kể lại trở nên lặp lại, nhàm chán và tách rời khỏi phần còn lại của Expeditions: Rome
Cuối cùng, đối với một trò chơi có giá trị sản xuất phải nói là khá cao, dễ nhận ra nhờ đồ họa chi tiết và mỹ miều, toàn bộ đối thoại được lồng tiếng, Expeditions: Rome thật ra ít mang cảm giác rộng lớn mà nó đáng ra nên có.
Bên cạnh các cuộc giao tranh, mỗi bản đồ chỉ có 2 – 3 địa điểm mà bạn có thể thực sự đặt chân đến, và chúng tuy trông đẹp nhưng lại… ít có thứ để làm.
Điển hình nhất là Memphis, một trong những thành phố trọng điểm ở Ai Cập cổ đại, chỉ là thắng cảnh dành cho một nhiệm vụ chính và một nhiệm vụ phụ. Người viết thực sự bất ngờ khi Logic Artists kì công xây dựng nên một góc Memphis “mini” đẹp chẳng kém so với Assassin’s Creed Origins, nhưng rốt cuộc trò chơi lại chẳng có nhiệm vụ nào mới mẻ diễn ra tại đó, hay chứa đựng các thông tin lịch sử thú vị về con người, xã hội, kiến trúc, tập quán của Ai Cập.
Đồng ý là tâm điểm của trò chơi nằm ở Rome, nhưng họ cũng đâu cần thiết phải thiên vị La Mã như thế?
Không chỉ có ít thứ để làm, các thành phố đông dân trong Expeditions: Rome cũng chẳng có không khí của thành phố. Chúng thiếu vắng tiếng cười nói hoạt náo của người dân, NPCs hoàn toàn bất động tại chỗ, tất cả trông cứng đờ, thiếu cảm xúc, kém sống động, và không hùng hồn như những gì mà nó hứa hẹn bên ngoài những trận công thành – một cảm giác hụt hẫng đặc biệt nếu bạn vừa chơi qua Pathfinder: Wrath of the Righteous.
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post