Nội Dung Bài Viết
Maglam Lord – Thần đấu với Ma, hay người thường vùng lên đấu lại Thần, là một truyền thống lâu đời của thể loại JRPG, nổi bật với dòng Shin Megami Tensei.
Lối mòn này có vẻ cũ kỹ và đã được quá nhiều tựa game tận dụng (tới mức giờ đây người ta đưa tiêu chí đánh giá trùm cuối có phải Thần không để xem tựa game đó có phải JRPG không), vậy nên tìm được một ý tưởng mới cho mô-típ này không phải chuyện dễ dàng.
Dẫu vậy, studio D3 Publisher vẫn nhận trọng trách đó với Maglam Lord.
Tựa game lần đầu ra mắt vào 18/3/2021 tại Nhật, nhưng mãi tới 4/2 năm nay Maglam Lord mới ra mắt trên thị trường quốc tế.
Vậy, liệu D3 Publisher có thành công? Bạn đọc hãy cùng Tải Game 247.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
CỐT TRUYỆN HÀI HƯỚC, NHẸ NHÀNG
Các vị Thần muốn giết ta, muốn chấm dứt cuộc sống của ta, vì sự tồn tại của ta là nghịch thiên!
Ta sẽ nổi dậy! Ta sẽ phải vùng lên! “One more God rejected”!
Nghe như vậy, người đọc sẽ liên tưởng ngay tới một tựa game Shin Megami Tensei tăm tối, với một cốt truyện đầy uẩn khúc và bi thương…
Nhưng không! Đó chỉ là… một phút mở đầu của tựa game mà thôi.
Sau khi bị các vị Thần phong ấn vì tội… là một Bladelord nghịch thiên, anh chàng (hay cô nàng, tùy người chơi chọn) Ma Vương Killizerk của chúng ta rơi vào giấc ngủ ngàn năm… và được đánh thức bởi vị tướng trung thành Balgackwein (giờ trông như thần đèn).
Những tưởng hành trình huỷ diệt Thần, Ma của Killizerk chuẩn bị bắt đầu, nhưng hỡi ôi, thời thế đã thay đổi rồi!
Còn đâu Thần với Ma với Anh hùng gì gì nữa, giờ đây chỉ có người phàm, và thế giới bước vào kỷ nguyên con người thống trị, nằm dưới tay Hội Đồng Quản Trị.
Khi Hội Đồng Quản Trị “đánh hơi” được Killizerk thức tỉnh, họ đã lập tức đưa anh chàng Ma Vương tội nghiệp vào dạng… giống loài cần được bảo tồn, vì anh chàng là Bladelord cuối cùng trên Trái Đất.
Thế là Killizerk bị gắn đủ thứ nhãn dán “loài trong sách đỏ”, và được khuyên không nên… ra ngoài đường vì Hội Đồng sợ cho an nguy của anh chàng, và từ đó, đủ tình huống hài hước xảy ra, khiến người chơi nhiều phen “cười như nắc nẻ”.
mạch truyện của Maglam Lord hài hước, nhẹ nhàng, đủ khiến người chơi cảm thấy giải trí trong khoảng thời lượng tầm 20-30h chơi
Mạch truyện được trình bày dưới dạng tiểu thuyết tương tác trực quan (visual novel), và người chơi nhiều lúc sẽ có thể lựa chọn câu trả lời để tự định hình nên tính cách của Killizerk của họ: thân thiện, hoà đồng hay làm “edgelord”.
Một số lựa chọn còn có thể tăng thiện cảm với một số người nhất định, hoặc tăng một chỉ số nhất định, do đó người chơi có thể tuỳ ý định hình tính cách của nhân vật chính theo ý của họ.
Tóm lại, mạch truyện của Maglam Lord hài hước, nhẹ nhàng, đủ khiến người chơi cảm thấy giải trí trong khoảng thời lượng tầm 20-30h chơi của tựa game, với một kết thúc tương đối bất ngờ và nhiều bí mật được phơi bày.
HẸN HÒ
Là giống loài cần được bảo tồn, tất nhiên là mọi người sẽ muốn Killizerk có thể… nhân giống, do đó một phần tất yếu của tựa game là được hẹn hò với bất kỳ nhân vật nào bạn muốn.
Thật vậy, bạn có thể hẹn hò bất cứ ai, bao gồm Anh Hùng, con rối, idol… bất kể giới tính của bạn là gì, và giới tính của đối tượng hẹn hò là gì.
Những lựa chọn hẹn hò này được một ông già bí ẩn tên là Love Guru GG sắp xếp, và những cuộc hẹn cũng đầy khoảnh khắc “tấu hài’ như mạch truyện của tựa game vậy, đem lại những phút giây hết sức giải trí!
Một điểm cộng nữa của game là phần lồng tiếng, được thể hiện xuất sắc bởi những diễn viên lồng tiếng gạo cội, đã giúp cảm xúc của các nhân vật bộc lộ rõ ràng, tăng thêm tính hấp dẫn cho mạch truyện và khía cạnh hẹn hò.
những cuộc hẹn cũng đầy khoảnh khắc “tấu hài’ như mạch truyện của tựa game vậy, đem lại những phút giây hết sức giải trí!
BẠN SẼ GHÉT
CHIẾN ĐẤU LẶP LẠI, “CÀY CUỐC” NHIỀU
Nhiều khi người viết phải tự thốt lên, thà rằng game này thành một tựa game “visual novel” (tiểu thuyết trực quan) luôn, cắt hết mấy yếu tố game đi thì có khi tốt hơn!
Anh chàng Killizerk của chúng ta, vì đang ở trạng thái mới tỉnh dậy vô cùng yếu ớt, mà ma thuật ở ngoài thế giới lại thưa thớt, nên chỉ có thể chiến đấu bằng cách… tự biến mình thành vũ khí (gọi là Maglam), và để người khác sử dụng.
Có ba loại maglam, mỗi loại sẽ ảnh hưởng đến tốc độ ra đòn và sát thương của người dùng, và những nhân vật khác nhau sẽ có phong cách chiến đấu khác nhau khi ”cầm” Killizerk.
Chiến đấu của Maglam Lord dường như mượn ý tưởng của những tựa game Tales trước, với hệ thống chiến đấu theo đường thẳng, tuy nhiên bạn chỉ được điều khiển duy nhất một nhân vật, được cầm tối đa là ba maglam để đổi qua lại khi chiến đấu, tuỳ theo địch thủ yếu với loại maglam nào (kiểu như trò búa-bao-kéo vậy), có duy nhất một nút tấn công và duy nhất một phép thuật và một vật phẩm tuỳ chọn.
Khi chiến đấu, nếu bạn “combo” được địch dài hơn thì bạn sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm hơn, do đó đôi khi bạn có thể đổi sang maglam không có lợi thế để kéo dài combo tăng kinh nghiệm.
Nói thực, hệ thống chiến đấu của Maglam Lord có vẻ vui khi mới chơi, tuy nhiên càng về sau sẽ càng chán, mà tựa game này còn yêu cầu người chơi “cày cuốc” khá nhiều mới tiến triển được cốt truyện.
hệ thống chiến đấu của Maglam Lord có vẻ vui khi mới chơi, tuy nhiên càng về sau sẽ càng chán
Một điểm cộng là việc tạo ra maglam và lắp phụ kiện vào khá thú vị.
Có khoảng 40-50 maglam để người chơi tạo, tuy nhiên có rất nhiều loại phụ kiện khác nhau với những hiệu ứng khác nhau để người chơi thay đổi thuộc tính của maglam (na ná như các Word trong NieR: Replicant).
Việc này phần nào làm chiến đấu trở nên đỡ nhàm chán hơn, giúp người viết thử nghiệm các loại vũ khí khác nhau vào các thời điểm khác nhau.
KHÍA CẠNH KHÁM PHÁ… DỞ TỆ!
Maglam Lord cố gắng trở thành một tựa game JRPG đúng nghĩa khi nhồi thêm cả khía cạnh “khám phá” vào trong tựa game của mình, tuy nhiên không thể nói là họ đã làm tốt khía cạnh này, nếu không muốn nói là… dở chưa từng thấy, kể cả đồ hoạ và nội dung.
Khi tiến hành các nhiệm vụ, người chơi sẽ được thả vào trong một bản đồ bé xíu, nhìn cũng chẳng bắt mắt với màu sắc nhạt nhòa và kém chất lượng.
Những quái vật trong mỗi nhiệm vụ thì chẳng qua đổi màu qua lại với nhau, không hề có sự đa dạng về quái vật.
Tới mức, đôi lúc người viết cảm thấy Maglam Lord nhìn như một game điện thoại rẻ tiền, trái với hình ảnh khi game trong chế độ “cốt truyện”, với những nét vẽ đẹp cùng với âm thanh lồng tiếng hấp dẫn và cuốn hút.
Do đó, nói không ngoa, thà rằng Maglam Lord cắt bỏ hết phần khám phá với chiến đấu đi, thì tựa game này sẽ hay hơn nhiều.
Maglam Lord nhìn như một game điện thoại rẻ tiền, trái với hình ảnh khi game trong chế độ “cốt truyện”
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post