Nội Dung Bài Viết
MONARK – Khi nhắc tới những cụm từ “học đường”, “Nhập vai Nhật Bản – JRPG”, “ma quỷ”… chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới loạt game Persona cực kỳ nổi tiếng của ATLUS.
Những yếu tố đặc trưng được trau chuốt kỹ càng đã làm dòng game Persona vươn mình từ phụ bản của dòng game Shin Megami Tensei nổi tiếng trở thành một dòng game riêng (phiên bản mới nhất: Shin Megami Tensei V), độc lập và hấp dẫn không kém gì bản gốc.
Vừa qua, Lancarse – studio từng hợp tác với ATLUS, BANDAI NAMCO – đã thử sức mình với một game nhập vai lấy đề tài học đường tương tự như dòng game Persona, với một cái tên rất ấn tượng: MONARK.
Đây hứa hẹn sẽ là một trong những cái tên nổi bật của làng game nhập vai trong năm 2022 này.
Lấy bối cảnh là học viện Shin Mikado giả tưởng. MONARK sẽ đưa người chơi sẽ vào vai một học sinh bí ẩn mất trí nhớ tình cờ có được những năng lực đặc biệt. Cùng với những người bạn đồng hành, cậu phải khám phá bí ẩn về bản thân, về màng chắn đang cô lập trường học, cũng như làn sương mù bí ẩn đang khiến các học sinh trong trường phát điên.
Với danh tiếng là những “nhà phát triển cũ” của dòng game Shin Megami Tensei, liệu rằng MONARK, sản phẩm mới nhất của Lancarse, đã thể hiện ra sao?
BẠN SẼ THÍCH
Hệ thống chiến đấu thú vị!
Hệ thống chiến đấu trong MONARK về cơ bản vẫn là một game TRPG (Tactical Role-playing game – Nhập vai chiến thuật) Nhật Bản cổ điển nhưng đã được tinh chỉnh để khiến chúng trở nên thú vị hơn.
Về tổng quan, các trận đấu trong game vẫn diễn ra theo lượt (turn-based) và người chơi vẫn phải bố trí các nhân vật của mình trên chiến trường sao cho có được sự phối hợp hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của MONARK chính là việc thay vì di chuyển các nhân vật theo các ô (grid) định sẵn, người chơi giờ đây sẽ được di chuyển khá tự do trong “vùng” di chuyển tương ứng với mỗi nhân vật.
Với mỗi lượt đi, bạn sẽ phải bố trí các nhân vật mà mình có sao cho phù hợp nhất với kỹ năng và sở trường của các nhân vật, nhằm đạt được sự phối hợp tối ưu nhất với đội hình mà mình đang sở hữu.
Kết hợp với những yếu tố trên, MONARK còn giới thiệu một hệ thống trạng thái MAD và AWAKEN. Mỗi trạng thái sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên các nhân vật, cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong MONARK không tồn tại hệ thống MP.
Thay vào đó, khi sử dụng các kỹ năng, các nhân vật sẽ phải “trả giá” bằng một phần HP hoặc tăng giảm thanh MAD tương ứng. Do vậy, mỗi lượt đi, người chơi phải có sự tính toán kỹ lưỡng nhất, tránh việc lãng phí lượt đi không cần thiết, đặc biệt là trong các cuộc đánh trùm..
Mỗi màn chiến đấu trong MONARK đều được tính điểm, dựa vào đó người chơi sẽ nhận được một lượng điểm Spirits tương ứng.
MONARK về cơ bản vẫn là một game TRPG (Tactical Role-playing game – Nhập vai chiến thuật) Nhật Bản cổ điển nhưng đã được tinh chỉnh để khiến chúng trở nên thú vị hơn
Càng thực hiện nhiều hành động cụ thể trong trận đánh thì hạng sẽ càng cao. Đó có thể là kết thúc trận đánh trong ít lượt nhất có thể, sử dụng các kỹ năng chuyên biệt, hỗ trợ các nhân vật khác tiêu diệt kẻ thù… Các trận đánh có độ khó cao cũng sẽ có mức “thưởng” Spirits tương ứng.
Số điểm Spirits này sẽ được dùng để nâng cấp, “mở khóa” các kỹ năng cho nhân vật thông qua các cây kỹ năng (skill tree) tương ứng.
Mỗi nhân vật lại có một bảng kỹ năng riêng, trong khi lượng điểm Spirits nhận được khá giới hạn. Do đó, bạn sẽ phải tính toán kỹ càng để nâng cấp đội hình sao cho hợp lý nhất.
Chủ đề “Bản ngã và Thất Đại tội”
Có thể nói, toàn bộ nội dung của MONARK sẽ xoay quay quanh Ego (Bản ngã) và Seven Deadly Sins (Thất Đại tội).
Khởi đầu, bạn sẽ phải trả lời một loạt các câu hỏi để biết được bản ngã (Ego) thật sự của mình là gì. Đó có thể là Lust (Dục Vọng), Sloth (Lười Biếng), Pride (Kiêu ngạo), Envy (Đố kỵ), Tham lam (Greed), Phàm ăn (Gluttony) và Wrath (Cuồng nộ).
Thông qua bài kiểm tra này, bạn sẽ được “tặng” một Fiend tương ứng với tội lỗi nổi trội nhất của mình.
Bên cạnh các nhân vật có thể điều khiển được thì các “fiend” nói trên chính là những người bạn đồng hành đắc lực nhất với nhân vật chính, là lực lượng hỗ trợ vô cùng quan trọng trong chiến đấu.
Thông qua quá trình chơi, càng tiêu diệt nhiều kẻ địch thì các fiend này cũng càng trở nên mạnh mẽ hơn, tựa như những tội lỗi lớn dần trong cuộc đời mỗi con người ngoài đời thật vậy.
Nghe qua thì có vẻ kì quặc, nhưng việc trung thành với chủ đề “Bản ngã & Thất đại tội” lại chính là điểm sáng nhất mà MONARK mang tới cho người chơi.
Thậm chí, những người bạn đồng hành tham gia vào cuộc hành trình của người chơi cũng sẽ được thiết kế rất phù hợp với chủ đề chung mà game đã đặt ra.
việc trung thành với chủ đề “Bản ngã & Thất đại tội” lại chính là điểm sáng nhất mà MONARK mang tới cho người chơi
Thông qua việc chiến đấu, khám phá thế giới, đối thoại với những người xung quanh người chơi sẽ dần dần định hình được bản ngã cho riêng mình.
Đây thực sự là một cách tiếp cận rất thú vị, thay vì chỉ nâng cấp các chỉ số đơn thuần cho các nhân vật thì giờ đây, các lựa chọn sẽ trở nên ý nghĩa và có chiều sâu hơn.
BẠN SẼ GHÉT
Đồ họa tầm thường
Đầu tiên, phải khẳng định ngay không phải mọi mặt về đồ họa của MONARK đều tệ. Ngược lại, game sở hữu cho mình một phong cách đồ họa rất ấn tượng và đồng nhất xuyên suốt trò chơi.
Từ giao diện người dùng (UI), bảng thông tin nhân vật, cây kỹ năng, bảng trang bị…đều mang một tông màu đồng bộ, hài hòa với nhau.
Phần thiết kế nhân vật của game được đảm nhận bởi so-bin, họa sĩ đứng sau loạt sách Overlord nổi tiếng và quả thực, các nhân vật trong MONARK đều trông khá ấn tượng và độc đáo.
Đáng tiếc thay, đây cũng là ưu điểm duy nhất..
sự lười nhác, thiếu đầu tư của Larcase đã khiến phần “hình” của MONARK trở nên khá tầm thường, lỗi thời
Mô hình 3D của các nhân vật rất thiếu chăm chút, các nhân vật cả chính lẫn phụ đều trông rất vô hồn, vân bề mặt (textures) cũng không được chăm chút kỹ lưỡng, các biểu cảm khuôn mặt trong các đoạn cắt cảnh cũng trông vô cùng nực cười.
Đôi khi, người viết cảm giác đây không phải là những “con người” mà chỉ là đám mô hình được quét những lớp sơn vội vã, cẩu thả.
Ngay cả mô hình đám quái vật cũng khá giống như nhau, từ những con quái thường “nhãi nhép” tới những con quái vật bậc cao cũng không có nhiều khác biệt. Cho dù các con trùm (boss) được thiết kế khá tốt, nhưng số lượng của chúng là không nhiều.
Nhìn chung, chất lượng đồ họa của MONARK chỉ ở mức trung bình. Dù biết rằng phần cứng của Nintendo Switch không cho phép có quá nhiều hiệu ứng “thời thượng” nhưng thực sự có rất nhiều game làm tốt hơn MONARK mặc dù đã ra mắt từ lâu.
Vấn đề ở đây là sự lười nhác, thiếu đầu tư của Larcase đã khiến phần “hình” của MONARK trở nên khá tầm thường, lỗi thời.
Thế giới nhàm chán, nhạt nhẽo
Xuyên suốt game, thường xuyên đập vào mắt bạn là những dãy hành lang, phòng học, cầu thang, chậu cây cảnh… vô cùng đơn điệu và rập khuôn. Thậm chí, Lancarse còn “lười” tới độ sử dụng các thiết kế môi trường lặp lại liên tục khiến cảnh vật trong game hầu như đều tương tự nhau.
Về mặt khám phá thế giới, MONARK cũng thể hiện khá “đuối”. Trong quá trình chơi, bạn sẽ tìm những mảnh giấy nhớ (note), các bản ghi chép, tập vở… của các NPC chứa đựng các thông tin cần thiết. Thông qua đó, người chơi sẽ tiến hành khám phá và giải đố các bí ẩn trong game.
Tuy nhiên, mức độ thử thách của chúng hầu hết đều không cao, và dường như đó chỉ là vài cản trở nho nhỏ trong quá trình diễn biến cốt truyện chính của game.
Thực sự chúng quá đơn giản và hoàn toàn không đáng với công sức mà người chơi bỏ ra để hoàn thành, và đáng ghét hơn là bạn bị buộc phải làm chúng để có thể tiếp tục cốt truyện chính.
Có thể nói, sự nhàm chán chính là điểm yếu chí mạng của MONARK, khiến người chơi dần cảm thấy mệt mỏi
Về mặt chiến đấu, MONARK cũng không khá khẩm hơn là mấy dù sở hữu nhiều ý tưởng thú vị. Chiến trường trong MONARK thực tế không diễn ra tại học viện Shin Mikado mà được thực hiện bằng cách… sử dụng điện thoại, và người chơi sau đó sẽ dịch chuyển đến một chiều không gian khác, nơi những kẻ thù thực sự đang ẩn mình.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu điều này được sắp xếp khéo léo, nhưng đáng buồn MONARK lại chọn cách thực hiện nhạt nhẽo nhất có thể. Và sau mỗi màn chiến đấu như vậy, người chơi lại phải… chọn màn trên điện thoại nếu muốn tiếp tục chiến đấu.
Có thể nói, sự nhàm chán chính là điểm yếu chí mạng của MONARK, khiến người chơi dần cảm thấy mệt mỏi. Đáng buồn là điểm yếu này không thể sửa chữa trong một sớm một chiều.
Tính “cày cuốc” quá nặng nề!
Một điểm “đáng ghét” nữa của MONARK chính là việc bắt người chơi phải “cày cuốc” khá nhiều nếu muốn bắt kịp với tiến độ trong game.
Ngay từ những giờ chơi đầu tiên, bạn đã cảm thấy game rất “thử thách”, nhưng tính thử thách này không phải đến từ sự đa dạng của quái vật, sự khôn ngoan của chúng hay thiết kế màn chơi độc đáo mà chỉ đơn giản chỉ là… bạn quá yếu!
Thật vậy, xuyên suốt quá trình chơi, người chơi thường xuyên bị “tụt” lại phía sau và cần phải “cày” khá nhiều để có thể theo kịp tiến độ của game đặt ra. Để nâng cấp kỹ năng nhân vật, tăng “cấp”… thì cách duy nhất là bạn phải “cày” điểm Spirits càng nhiều càng tốt.
Tất cả những gì bạn cần làm nếu muốn “cày cấp” cho nhân vật của mình là lặp đi, lặp lại một vài màn chơi với kẻ thù cố định.
Đáng buồn hơn, ngay từ những giây phút đầu game bạn đã phải làm đi làm lại điều này nếu không muốn bị trùm “quật ra bã” vì thiếu thốn trang bị, cũng như kỹ năng. Sự “cày cuốc” quá mức khiến MONARK tạo ra một vòng lặp nhàm chán, khiến động lực chơi game của người chơi cũng vì thế mà giảm đi khá nhiều.
Ở các màn chơi đầu thì điểm yếu này chưa thể hiện quá rõ ràng, nhưng càng về sau thời gian cho mỗi màn chiến đấu lại càng dài, khiến trải nghiệm của MONARK sụt giảm nghiêm trọng. Kết hợp với môi trường nhàm chán kể trên càng khiến game trở nên lê thê quá mức cần thiết.
Sự “cày cuốc” quá mức khiến MONARK tạo ra một vòng lặp nhàm chán, khiến động lực chơi game của người chơi cũng vì thế mà giảm đi khá nhiều
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post