Nội Dung Bài Viết
NEO: The World Ends With You – Vào năm 2007, The World Ends With You ra mắt. Với một nền đồ hoạ độc đáo, bối cảnh hấp dẫn, lối chơi vận dụng tối đa khả năng của Nintendo DS và đặc biệt là những bản nhạc cực hay, tựa game nhanh chóng ghi điểm trong lòng người chơi và thu được một lượng fan trung thành.
Tuy nhiên, Square Enix đã im hơi lặng tiếng nhiều năm, và người chơi chỉ còn nước chơi lại tựa game này, hoạ chăng là trên đủ các loại hệ máy khác nhau từ điện thoại di động tới Nintendo Switch.
Tuy nhiên, sau 14 năm dài đằng đẵng, điều mà nhiều người hâm mộ (trong đó có người viết) mong chờ đã đến, theo một cách khá bất ngờ và chóng vánh: hậu bản trực tiếp có tên NEO: The World Ends With You.
Vậy, liệu thời gian chờ đợi đó có xứng đáng? Bạn đọc hãy cùng Tải Game 247.asia tìm hiểu nhé.
BẠN SẼ THÍCH
“It’s me, (what?), against the world, so…”
Để mở đầu bài đánh giá, người viết xin phép kể lại một chút trải nghiệm của mình với The World Ends With You phiên bản DS, và tại sao NEO: The World Ends With You lại là một tựa game người viết mòn mỏi chờ mong như vậy (chắc chỉ kém mỗi Final Fantasy VII Remake)
Tựa game này ra mắt vào năm 2007, nhưng mãi tới năm 2009, thì người viết mới có thể trải nghiệm trên chiếc máy DS của anh họ trong một lần tụ họp.
Phải nói rằng trước đó người viết đã kinh qua rất nhiều thể loại JRPG, từ những dòng game đình đám tới những dòng game hầu như chẳng ai biết, nên việc chơi thêm một tựa game JRPG nữa thực tế cũng không có gì mới.
Tuy nhiên, The Worlds End With You thực sự đã mở cho người viết một thế giới mới toanh, một tầm nhìn mới xuyên qua lớp mô-típ JRPG người viết đã nhìn tới mòn mắt trong thời gian dài, với một thế giới sinh động, một lối chơi hấp dẫn và một nền đồ hoạ cực độc đáo.
Điểm nhấn làm người viết mãi không quên, đó chính là những bản nhạc!
Khá đáng tiếc, thời gian tụ họp không đủ nên người viết, lúc bấy giờ mặc dù đã rất cố gắng “cày ngày cày đêm”, vẫn không thể đi cùng Neku tới cuối Trò chơi Tử thần (không lâu sau đó người viết đã tìm cách hoàn thành trò chơi, và tất nhiên tựa game này đáng có một bài đánh giá tử tế hơn).
Dẫu vậy, suốt vài tháng sau đó (và thậm chí thi thoảng tới bây giờ) người viết vẫn nhẩm đi nhẩm lại “brain wave, main wave” từ bài Twister, hay bản nhạc chiến đấu Transformation.
Mặc dù không phải là một tựa game âm nhạc (“rhythm game”, như Cytus, Osu v.v.), nhưng những bản nhạc trong The World Ends With You là quá ấn tượng, và đã để lại một “dấu vết” khó phai trong lòng người viết, và với một tượng đài như vậy, khỏi phải nói hy vọng đối với NEO: The World Ends With You dường như sẽ quá cao và bất khả vượt qua .
chỉ riêng phần âm nhạc thì NEO: The World Ends With You đã chiếm trọn cảm tình của người viết, và có lẽ sẽ không làm các bạn thất vọng
Tuy vậy, bằng cách nào đó, NEO: The World Ends With You đã không làm người viết thất vọng!
Chỉ cần bạn xem đoạn phim mở đầu, là bạn đã được rào đón ngày bằng một bản nhạc khiến tim bạn đập thình thịch, máu dồn lên não khi bạn trở nên phấn khích và háo hức mong đợi một cuộc phiêu lưu hoành tráng đang đợi chờ trước mắt.
Phong cách của NEO: The World Ends With You vẫn vậy, rock, pha chút metal, pha chút hip hop, pha một chút… của mọi thứ, thành thử mỗi bản nhạc đều có chất riêng, một cái hồn riêng nhưng vẫn tràn đầy bản sắc của TWEWY, một ấn tượng khó có thể nào phai.
Có quá nhiều bản nhạc chất lượng cao trong game, tới nỗi người viết thường xuyên bật game lên và… đứng yên chỉ để nghe nhạc, rồi thi thoảng “đổi vị” di chuyển tới khu vực khác với bản nhạc mới và lại đứng yên đó nghe nhạc.
Chỉ sau 30 phút trải nghiệm, tựa game đã thuyết phục được người viết mua ngay bản OST kỹ thuật số, để có thể nghe ở bất kỳ đâu, dù ở nơi làm việc, ở nhà. Trong lúc đang viết bài đánh giá này, người viết cũng đang nghe “Storm“, một trong những bản nhạc mà người viết thấy hay nhất nhì của tựa game.
Không những vậy, những người chơi nào đã chơi qua phần đầu còn được một phen “mát tai” với những bản remix của những ca khúc của phần một, điển hình như Twister, hay The One Star.
Nói tóm lại, chưa cần biết những khía cạnh khác như thế nào, chỉ riêng phần âm nhạc thì NEO: The World Ends With You đã chiếm trọn cảm tình của người viết, và có lẽ sẽ không làm các bạn thất vọng.
Trò chơi Tử thần tiếp diễn…
Mặc dù là hậu bản trực tiếp của The World Ends With You, nhưng NEO: The World Ends With You mở đầu hoàn toàn mới, với việc giới thiệu nhân vật mới, những sự kiện mới trong vài chương đầu tiên, và những liên hệ với phiên bản tiền nhiệm chỉ được vén màn từ khoảng nửa sau game đổ lại, do đó người chơi mới cũng không tới nỗi quá bị động khi chơi phiên bản này đầu tiên.
Trò chơi theo chân Kanade Rindo và Furesawa Tosai (có biệt danh là Fret) khi hai người bỗng dưng bị truyền tống tới Underground (UG) và phải tham gia Trò chơi Tử thần, một trò chơi dành cho những người chết ở thế giới thật để giành quyền sống lại (na ná như chế độ Second Wind của Borderlands 2).
Trong trò chơi tử thần, các đội sẽ phải đấu với nhau, đội về nhất sẽ đạt được một điều ước, còn đội về cuối sẽ bị xoá sổ khỏi thế giới này.
Và thế là hai người bạn phải vượt qua thử thách khó khăn này, với sự trợ giúp từ những người bạn mới, đồng minh mới và thậm chí cả những cô nàng tử thần dễ thương như Sakurane Shoka.
Ngoài một mạch truyện “bánh cuốn”, các tuyến phát triển nhân vật trong game cũng được thực hiện với một tốc độ hợp lý
Nói là nhân vật mới với tuyến truyện mới, tuy nhiên, những liên hệ tới phiên bản đầu là tương đối dày đặc, và có những khoảnh khắc mấu chốt có thể sẽ không đem lại nhiều ý nghĩa bằng, nếu người chơi không nắm được sự kiện của bản đầu tiên, do đó người viết vẫn là khuyên các bạn có thể trải nghiệm phiên bản trước (nay đã có mặt trên Nintendo Switch với tên The World Ends With You: Final Remix).
Người viết sẽ không đi sâu vào phân tích cốt truyện để tránh làm lộ nội dung, mà sẽ chỉ nói rằng mạch truyện mặc dù mở đầu có vẻ tương đối chậm chạp, nhưng càng chơi càng cuốn hút, và càng về cuối… tới đây là được rồi, bạn đọc có thể tự cảm nhận nhé.
Ngoài một mạch truyện “bánh cuốn”, các tuyến phát triển nhân vật trong game cũng được thực hiện với một tốc độ hợp lý, hầu như không để lại nhân vật nào bị rơi vào cảnh “trưng cho có”.
Tương tác giữa các nhân vật cũng được phác hoạ tương đối tỉ mỉ, với một khiếu hài hước khiến cho tựa game có rất nhiều khoảnh khắc giải trí.
Tuy nhiên, đôi lúc cũng có những khoảnh khắc cảm thấy tựa game bị kéo dãn không cần thiết (và những khoảnh khắc này thường… không có lồng tiếng luôn), dẫu sao thì chúng cũng không nhiều quá, và những khoảnh khắc này cũng không phải là không đem lại tiếng cười sảng khoái nào.
Tốc chiến!
Việc chuyển đổi từ lối chơi nặng vào màn hình cảm ứng trên màn hình 2D sang lối chơi với tay cầm trong thế giới 3D là một việc nghe qua có vẻ rất khó, nhưng NEO: The World Ends With You cũng không làm chúng ta thất vọng trên phương diện này.
Trò chơi vẫn xoay quanh những chiếc huy hiệu mà người chơi phải đi nhặt và vận dụng sức mạnh của chúng trong chiến đấu. Mỗi người có thể sử dụng một huy hiệu, được gán với một nút trên tay cầm, và trong chiến đấu bạn có thể sử dụng các nút này để điều khiển nhân vật tương ứng với huy hiệu đó và sử dụng chiêu thức của huy hiệu.
Những huy hiệu này vô cùng đa dạng về mẫu mã và năng lực, do đó người chơi có khả năng tuỳ ý lựa chọn những năng lực thích hợp để tạo thành combo.
Khi tấn công đủ lần, thì một thanh goi là Beatdrop sẽ xuất hiện, và nhiệm vụ của bạn sẽ là tấn công kẻ địch bằng một huy hiệu khác trong thời gian thanh này xuất hiện.
Nếu làm được, thì bạn sẽ gây thêm sát thương cho địch thủ, đồng thời tăng thanh năng lượng thực hiện tuyệt chiêu nhóm Mashup, với nhiều loại sức mạnh khác nhau tuỳ theo huy hiệu kích hoạt Mashup, từ nhân ba sát thương cho tới thả một quả cầu lửa khổng lồ đốt cháy hết địch.
ban đầu có vẻ hơi choáng ngợp, tuy nhiên một khi đã nắm được cơ bản, thì chiến đấu trong NEO: The World Ends With You trở nên như “nước chảy mây trôi”, mà lại không hề bị gò bó
Mỗi huy hiệu chỉ có thể sử dụng một vài lần, hết thì bạn sẽ phải đợi chúng sạc lại, do đó bạn không thể “spam” bấm loạn các nút lên được. Điều này có thể gây sát thương địch trong thời gian ngắn, nhưng sẽ để lại “khoảng chết” khi bạn không có đủ huy hiệu để tấn công khi Beatdrop xuất hiện.
Nó giống như khi chơi một bản nhạc vậy, những huy hiệu là những nhạc cụ, và người chơi cần một tiết tấu ổn định và phối hợp hài hoà giữa chúng.
Mặc dù ban đầu có vẻ hơi choáng ngợp, tuy nhiên một khi đã nắm được cơ bản, thì chiến đấu trong NEO: The World Ends With You trở nên như “nước chảy mây trôi”, mà lại không hề bị gò bó mà tuỳ vào sức sáng tạo của người chơi với bộ huy hiệu của mình.
Người chơi còn có khả năng tự tìm thử thách bằng cách mở khoá chế độ Khó (thông qua Mạng Xã hội trong game) hoặc… tự giảm Cấp độ của mình xuống, và gia tăng khả năng kiếm được huy hiệu từ quái vật.
Không những vậy, người chơi còn có thể đánh nhiều địch thủ một lúc qua cơ chế “Chaining”, và mặc dù độ khó sẽ tăng dần sau mỗi địch thủ được “chain”, lượng huy hiệu rớt cũng qua đó tương ứng nhiều hơn.
Nhờ nhiều tuỳ chọn như vậy, mà người chơi hoàn toàn có thể lựa chọn độ khó phù hợp cho mình, kết hợp với khả năng tuỳ biến huy hiệu, khiến cho chiến đấu trong NEO: The World Ends With You cuốn hút từ đầu chí cuối, vừa thử thách lại vừa hấp dẫn.
BẠN SẼ GHÉT
Shibuya 3D
Đưa phần này vào “bạn sẽ ghét” có vẻ hơi nặng tay, đáng ra nên có một phần “trung gian”, vì quả thực Shibuya trong tựa game được phác họa đẹp, chi tiết với nhiều tông màu đa dạng.
Mặc dù đã chuyển lên định dạng 3D, tuy nhiên trò chơi vẫn nắm được cái hồn của Shibuya phiên bản trước với phong cách đồ họa vô cùng đặc trưng và bắt mắt, kèm với một không khí sinh động, với cư dân phong phú.
Tuy nhiên, đi lâu trong Shibuya khiến người chơi có cảm giác… như say rượu vậy, do những toà nhà nó cứ méo mó vặn vẹo.
Có lẽ nhà phát triển muốn cho chúng ta thấy sự không ổn của Shibuya, nhưng vô hình chung nhìn quá lâu sẽ khiến người chơi hơi có cảm giác chóng mặt hoa mắt.
Một số khu vực lại hơi khó di chuyển, do cảnh vật này che lấp cảnh vật kia, mà người dùng lại không thể xoay camera tự do mà bị khoá cứng ở một góc camera (do nhà phát triển quyết định), dẫn đến hệ quả nhiều khi việc di chuyển bị hạn chế và có thể gây khó chịu.
nhà phát triển muốn cho chúng ta thấy sự không ổn của Shibuya, nhưng vô hình chung nhìn quá lâu sẽ khiến người chơi hơi có cảm giác chóng mặt hoa mắt
Giải đố quá dễ
Xuyên suốt Trò chơi Tử thần, bạn sẽ phải giải các câu đố do mấy Tử thần đưa ra, tuy nhiên trò chơi lại quá “nương tay” trong vấn đề này, và hầu hết là “cầm tay chỉ việc” cho người chơi, thậm chí một số câu đố tựa game còn “toẹt” luôn đáp án cho người chơi, người chơi chỉ việc tới vị trí đã được chỉ định sẵn.
Có lẽ dụng ý của nhà phát triển không đặt nặng trọng tâm vào phần giải đố này, tuy nhiên sẽ hợp lý hơn nếu game để người chơi tìm tòi một lúc, vừa tăng tính khám phá vừa tăng sự thú vị khi trải nghiệm.
bạn sẽ phải giải các câu đố do mấy Tử thần đưa ra, tuy nhiên trò chơi lại quá “nương tay” trong vấn đề này, và hầu hết là “cầm tay chỉ việc”
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post