Nội Dung Bài Viết
Samurai Warriors 5 – Trong lịch sử phát triển kéo dài hàng chục ngàn năm của văn minh nhân loại, chiến tranh dường như là một nhân tố tất yếu không thể tránh khỏi được, khi chỉ cần những xung đột xoay quanh lương thực, nguồn năng lượng, hay về sau này là tư tưởng… thì đều dẫn đến chiến tranh được.
Tuy có rất nhiều cuộc chiến lớn nhỏ từng xảy ra, nhưng được nhắc đến và sử dụng nhiều nhất trong văn hóa, giải trí… thì không biết vì lẽ gì mà hai đề tài Tam Quốc và Chiến Quốc (Sengoku) luôn xuất hiện với tần suất nhiều nhất.
Nhiều đến nỗi, có một hãng game khởi xướng, duy trì, phát triển và ăn nên làm ra chỉ thuần túy nhờ vào đề tài đó – ấy chính là Koei Tecmo.
Cái tên Dynasty Warriors (hiện tại đã có để bảng thứ 9) chắc hẳn không còn gì xa lạ với các tín đồ game hành động gần xa, với lối chơi thuần túy chặt chém băm bổ “1 địch 1000” lấy đề tài Tam Quốc Diễn Nghĩa quen thuộc.
Song song với nó, một phiên bản khác với đề tài Chiến Quốc Nhật Bản (Sengoku), với cái tên Samural Warriors cũng nổi đình nổi đám chẳng kém.
Đặc biệt, ngoài dòng sản phẩm gốc với lối chơi khá sát với Dynasty Warriors, Samurai Warriors còn có dòng ngoại truyện Chronicles nặng về tính chiến thuật và điều động nhân sự hơn.
Vừa ra mắt hồi cuối tháng 7/2021, phiên bản mới nhất có tên Samurai Warriors 5 đã cập bến trên nhiều hệ máy như PC, PS5 và Nintendo Switch – gặt hái được không ít lời khen ngợi nhờ vào nhiều thay đổi đáng kể đến mức gần như mang tính “reboot” cả một dòng game huyền thoại.
Vậy, so với các “người tiền nhiệm” trước đây thì Samurai Warriors 5 đã làm được những gì mang tính đột phá và cách tân tốt hơn?
Mời bạn đọc cùng Tải Game 247.asia đi tìm câu trả lời qua bài đánh giá sau.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi hành động hấp dẫn!
Vẫn giữ nguyên cái tinh túy của dòng game “Musou” nói chung và Samurai Warriors nói riêng, lối chơi chủ đạo của Samurai Warriors 5 xoay quanh việc đưa người chơi vào vai các danh tướng thời Sengoku (Chiến Quốc) ở Nhật Bản, tả xung hữu đột giữa trùng vây hàng ngàn quân địch, tiêu diệt tướng lĩnh phe địch, hoàn thành các nhiệm vụ lớn nhỏ trong màn…
Với các thao tác hành động trong game xoay quanh hai nút đánh thường (Regular Attack) và đánh mạnh (Power Attack), người chơi có thể thực hiện vô số các đòn liên hoàn (combo) bằng cách “spam” đánh thường và kết thúc với đòn đánh mạnh – vốn có thể kéo dài ra thêm hoặc “gồng”, tùy vào mỗi nhân vật.
Ngoài ra, người chơi còn có thể vừa “combo” vừa di chuyển cực nhanh nhờ vào cơ chế Hyper Attack (xuất hiện từ Samurai Warriors 4), cũng như “tích nộ” để kết thúc những tướng địch “khó nhằn” với các cơ chế Rage Mode và Musou Attack.
Đây đều là những tinh túy vốn làm nên giá trị cốt lõi của dòng Samurai Warriors từ trước đến nay.
Với mục tiêu là “reboot” cả một dòng game dài hơi, vì vậy dĩ nhiên Samurai Warriors 5 sẽ cần phải có một nhân tố mới mẻ để hỗ trợ làm điều đó.
Và nhân tố này có tên là “Ultimate Attack”, bao gồm rất nhiều kỹ năng dao động từ di chuyển, “buff chỉ số” cho đến thi triển các tuyệt chiêu cực mạnh.
Mỗi nhân vật có thể đem theo tối đa 4 Ultimate Attack và hầu hết là đều liên quan đến vũ khí họ đang dùng.
Nhắc đến vũ khí, thì đây là cơ chế vốn xuất hiện từ Dynasty Warriors 8, khi mà ngoài vũ khí “ruột” của mình, các nhân vật có thể tùy ý đổi sang các món vũ khí khác mà game cung cấp – dĩ nhiên khi làm như vậy thì bộ chiêu thức, mức độ thuần thục, cũng như Ultimate Attack cũng sẽ đổi theo.
Đây là một tính năng thú vị nhưng chỉ dừng lại ở mức mở rộng trải nghiệm, chứ không phải mang tính cốt lõi hay bắt buộc.
Nhờ vào việc dung hòa khéo léo các cơ chế chiến đấu cũ vốn đã khá hay ho, cùng những “gia vị” mới, các trận đánh trong Samurai Warriors 5 giờ đây có nhịp độ nhanh nhẹn và dứt khoát hơn rất nhiều – bởi lẽ nếu hồi xưa sau khi làm một bài combo kết thúc với Power Attack thì chuỗi diễn hoạt sẽ dừng lại, người chơi phải nhảy hoặc tìm cách nối combo; thì bây giờ khi đan xen combo thường với Hyper Attack và Ultimate Attack, người chơi có thể tại ra hàng loạt đòn thế tưởng chừng như vô tận, cho phép họ càn quét trận địa một cách liên hoàn, trôi chảy mà không hề gián đoạn.
Bằng cách đưa ra nhiều loạt nhiệm vụ (có cả nhiệm vụ ẩn) khác nhau trong màn, từ hạ các tướng địch được chỉ định, bảo vệ tướng phe ta, diệt một số lượng quân lính… cho đến thi triển Musou để kết liễu, người chơi Samurai Warriors 5 có nhiều thứ để quan tâm trong quá trình tả xung hữu đột, chứ không chỉ đơn giản là cắm đầu “chém chém giết giết” một cách mù quáng.
Nhờ vào việc dung hòa khéo léo các cơ chế chiến đấu cũ vốn đã khá hay ho, cùng những “gia vị” mới, các trận đánh trong Samurai Warriors 5 giờ đây có nhịp độ nhanh nhẹn và dứt khoát hơn rất nhiều
Phong cách đồ họa tuyệt đẹp
Khi người viết nhiều lần nhắc đến chữ “reboot”, thì thật ra thứ được đầu tư mạnh nhất vào mảng “làm lại”, chính là nền tảng đồ họa của Samurai Warriors 5.
Vốn có phong cách vẽ 3D tương tự như các anh em Musou khác, dòng Samurai Warriors từ trước đến nay cũng bị “dính” vào cái nhược điểm cố hữu mà Dynasty Warriors hay Warrior Orochi mắc phải: đó là “tham lam” ôm đồm tăng số lượng nhân vật lên quá nhiều sau mỗi phiên bản, đến mức hết ý tưởng phải đưa ra các tạo hình rất “bựa” (hoặc quá “Tây” hoặc trớt quớt), cũng như sự cân bằng kỹ năng rất thất thường.
Ý thức được điều đó, Koei Tecmo và Omega Force đã dám liều lĩnh làm một điều mà họ từng thử (và… thất bại “sấp mặt”) với Dynasty Warriors 8: thay đổi hoàn toàn thiết kế, ngoại hình và lối chơi của dàn nhân vật.
Đây là một việc làm rất khó, rất thử thách, khi mà ngoại hình các nhân vật hầu như đã đi theo số đông “fan cứng” của các dòng Musou từ hàng chục năm nay.
Tuy vậy, với Samurai Warriors 5 thì có vẻ như họ đã thành công, khi ngoài chuyện “đổi thùng, thay áo” cho nhân vật, Samurai Warriors 5 còn thay luôn cả nền tảng đồ họa.
Với một tựa game lấy đề tài Chiến Quốc Nhật Bản, thì không gì bằng phong cách đồ họa vẽ nét mực đen độc đáo, mà vốn từng gặt hái thành công lớn ở các tựa game khác như Street Fighter V hay Samurai Shodown (cũng vừa được “reboot”).
Đi kèm với lối vẽ mới này, là tạo hình các nhân vật cũng được “Nhật hóa” một cách triệt để, với sự biến tấu đa dạng của những bộ giáp samurai/shogun cực đẹp nhưng vẫn bám sát với văn hóa và lịch sử Nhật Bản.
mỗi nhân vật khi tung đòn kết liễu sẽ có một đoạn “ngưng ảnh” với thế pose cực ngầu được thể hiện với phong cách vẽ 2D vẩy mực, mang đậm tính ấn tượng mạnh mẽ
Chúng ta không còn thấy kiểu “Dark Knight” Nobunaga Oda chưởng hắc ám tinh cầu, hay “con gái đểu” của Mitsuhide Akechi mang tên… Gracia với tạo hình gothic châu Âu nữa – mà giờ đây các phong cách Chiến Quốc mới thật sự được tỏ bày, làm cho các trận chiến thêm sục sôi và kịch tính.
Điểm đặc biệt là khi thực hiện các đòn True Musou (dùng Musou khi đang bậc Rage Mode), mỗi nhân vật khi tung đòn kết liễu sẽ có một đoạn “ngưng ảnh” với thế pose cực ngầu được thể hiện với phong cách vẽ 2D vẩy mực, mang đậm tính ấn tượng mạnh mẽ!
Chất lượng các mô hình 3D cũng được nâng cao đáng kể, khi biểu cảm các nhân vật trong những đoạn phim cắt cảnh hoặc hội thoại được thể hiện rất tốt, giúp người chơi cảm nhận rõ rệt tính cách và tâm trạng của nhân vật trong các phân cảnh đó.
BẠN SẼ GHÉT
Sự lười biếng đáng ghét!
Một trong những điều khiến người viết cảm thấy khó chịu với Samurai Warriors 5 nhất, có lẽ là việc game có quá ít nhân vật để điều khiển.
Nếu các phiên bản trước số nhân vật lên đến 50 – 60, thì giờ đây con số đó chỉ vỏn vẹn còn… 22, một bước lùi đáng buồn.
Vẫn biết là khi phải “reboot” lại một dòng game vì nó đã quá nhiều, quá loãng – mà ngay lập tức lại dẫm vào vết xe đổ đó là việc hoàn toàn không thông minh, nhưng cái cách mà Koei Tecmo đã làm thật sự khiến người chơi phải bực mình.
Trước hết, là việc số lượng nhân vật đã ít ỏi, mà những nhân vật quen thuộc vốn cũng bị cắt xén không thương tiếc. Những cái tên vốn gắn liền với dòng Samurai Warriors từ ngày đầu tiên như Ishida Mitsunari, Sanada Yukimura hay Naoe Kanetsugu hoàn toàn bị lược bỏ trong Samurai Warriors 5 để “nhường chỗ” cho dàn nhân vật mới kém hấp dẫn hơn như Yasuke hay Kazuuji Nakamura.
Một trong những điều khiến người viết cảm thấy khó chịu với Samurai Warriors 5 nhất, có lẽ là việc game có quá ít nhân vật để điều khiển
Chưa nói đến việc có rất nhiều nhân vật vốn là “thủ hạ bại tướng” trong phần chơi chính Musou như Dosan Saito hay Nobuyuki Oda với ngoại hình rất chán, rất kém hấp dẫn, đi kèm với bộ kỹ năng “sao chép” (do xài trùng vũ khí với các nhân vật khác).
Đây rõ ràng là hành động mang tính “tận thu” khi tìm cách tái sử dụng triệt để tài nguyên có sẵn trong game, thay vì bỏ công làm mới.
Kế đến, là việc sử dụng hệ thống “đa vũ khí” mà các nhân vật có thể tùy ý thay đổi. Nói một cách dễ dãi thì là để tạo sự biến hóa cho người chơi trải nghiệm nhân vật ở nhiều phong cách – còn nói một cách gay gắt là hành động bao biện cho sự lười biếng của đội ngũ phát triển game.
Nếu ngày xưa với 50 nhân vật, người chơi sẽ có 50 món vũ khí cùng lối đánh hoàn toàn khác biệt – tạm bỏ qua chuyện nhiều quá thì khó mà giữ cho chúng cân bằng hoặc độc đáo, nhưng chí ít đó vẫn là cái tâm và cái công sức của đội ngũ làm game.
Còn giờ đây với vỏn vẹn 15 thứ vũ khí, việc một nhân vật này xài vũ khí nhân vật khác và có bộ chiêu “na ná đến 90%” là chuyện… hết sức bình thường. Lố bịch hơn nữa là mỗi nhân vật chỉ có một đòn Musou, có nghĩa là khi Nobunaga Oda cầm… cung mà đánh Musou, anh ta sẽ bắn ra hàng loạt mũi tên như Nô, rồi kết liễu bằng một pha… bổ kiếm “trứ danh” của mình.
Nhiều bất cập khó chịu!
Thói thường, khi tìm đến các tựa game như Samurai Warriors 5 thì rõ ràng người chơi muốn trải nghiệm lại không khí thời Sengoku qua các chiến dịch trứ danh và có cái nhìn đa chiều từ phía nhiều đội quân và thống lĩnh khác nhau.
Tuy vậy, Samurai Warriors 5 có vẻ giống “Hồi ức Nobunaga Oda và đồng bọn” hơn, khi hầu hết tuyến truyện chính của phần chơi Musou xoay quanh cuộc đời của Ma Vương tầng trời thứ 6 Nobunaga Oda, từ khi mới khởi nghĩa cho đến lúc mất tích bí ẩn tại chùa Honnoji.
Tuy phần truyện song song của Mitsuhide Akechi; người bạn, người tùy tùng thân cận, và cũng là người xuống tay hạ thủ Nobunaga Oda, cũng có độ dài đáng kể, tuy nhiên nó lại có quá nhiều phân cảnh bị trùng với tuyến của Nobunaga, khiến người chơi phải chơi lại rất nhiều màn trùng, chẳng qua ở 1 góc nhìn khác.
Việc làm này tuy có phần mạch lạc và mang đến một cái nhìn khách quan, cận cảnh hơn với sự phát triển tâm lý của các nhân vật chủ chốt – bù lại nó lại khiến cốt truyện quá tuyến tính, quá ủy mị, và khiến phần lớn nhân vật khác xuất hiện bị lu mờ khi phải xoay quanh cái “vệ tinh” chính Nobunaga Oda.
Kế tiếp, đó là Samurai Warriors 5 có thêm vào tính năng “partner” – nôm na là thêm một nhân vật có thể đổi vai điều khiển nhằm phục vụ cho mục chơi hai người, cũng như tăng “nhẹ” tính chiến thuật của game một chút.
Tuy vậy, đây là một nước đi hời hợt, yếu kém – bởi thà cho điều khiển hẳn 4 nhân vật như các dòng Samurai Warriors Chronicles, với thao tác gọn nhẹ “chọn và chỉ” trên bản đồ lớn. Đằng này nhân vật phụ có cách ra lệnh rất lằng nhằng, cũng như A.I “thiếu muối”, khiến việc ra lệnh cho nó di chuyển để phục vụ cho mưu đồ chiến lược trở nên phiền phức, “thà tự làm luôn cho rồi”.
Chưa dừng lại ở đó, chế độ chơi phụ Citadel Mode ban đầu tỏ ra khá thú vị khi cho người chơi khả năng “farm” tiền, EXP và các loại tài nguyên để nâng cấp thành trì. Nhưng thực tế, nó chẳng qua chỉ là một tính năng được cố ý làm thừa ra để tăng thời lượng chơi (tạo ra một hệ thống nâng cấp bằng tài nguyên, xong tạo ra chỗ để “farm” tài nguyên – và rồi biến nó thành hẳn một “chế độ chơi”).
Việc làm này cộng với phần cốt truyện Musou quá đơn tuyến càng khiến người chơi thấy rõ cái độ “lười” của nhà phát triển Samurai Warriors 5.
Sau cùng, đó là với sự có mặt của hệ thống Ultimate Attack, giao diện game trở nên rối rắm hơn khá nhiều với các biểu tượng, dấu nhắc và các thanh chỉ số.
Đồng thời các biển báo nhiệm vụ, cũng như các đoạn hội thoại lại có font chữ quá nhỏ cùng tần suất xuất hiện rất dày, khiến cho người chơi hầu như chỉ có thể chú tâm đọc nhiệm vụ để khỏi bỏ sót, mà bỏ qua mọi thông báo khác.
với sự có mặt của hệ thống Ultimate Attack, giao diện game trở nên rối rắm hơn khá nhiều với các biểu tượng, dấu nhắc và các thanh chỉ số
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post