Nội Dung Bài Viết
Sifu – Khi nhắc đến võ thuật, “Kung Fu” có lẽ là cụm từ đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến. Nguyên nhân có lẽ là do sự xuất hiện của môn võ trong văn hóa đại chúng, như tiểu thuyết, truyện tranh và phim ảnh.
Sở hữu đòn thế đẹp mắt, thể hiện tốc độ và sự uyển chuyển của võ sư, không khó hiểu khi Kung Fu đã nhanh chóng trở thành môn võ được nhiều người yêu thích.
Sloclap, studio độc lập có trụ sở tại Paris – Pháp – là một tập hợp những nhà phát triển game hâm mộ môn võ này.
Vào năm 2017, họ đã ra mắt tác phẩm đầu tay là Absolver, một trò chơi nhập vai hành động trực tuyến nặng yếu tố võ thuật, nơi người chơi so tài bằng các môn phái Kung Fu.
Absolver, sản phẩm đầu tay của hãng, đã đạt được tương đối thành công và với kinh nghiệm tích lũy được từ tựa game này, Sloclap đã cho ra mắt trò chơi thứ hai của họ, một trải nghiệm chơi đơn mang tên “Sifu“.
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động nổi tiếng, Sifu được hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm võ thuật đỉnh cao. Trò chơi đã làm được điều này hay chưa, chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua bài viết sau.
NỘI DUNG
8 năm trước khi trò chơi bắt đầu, võ đường của gia đình nhân vật chính bị tấn công bởi một tên cựu môn sinh và 4 tay đồng bọn của hắn.
Cha của nhân vật chính, vì tuổi cao, đã mất mạng dưới tay tên môn đồ phản bội. Nhân vật chính, lúc này chỉ là một đứa bé, cũng đã bị giết ngay sau đó không thương tiếc.
May mắn thay, trước khi bị giết, nhân vật chính cầm trên tay một chuỗi đồng xu thần kỳ. Chuỗi đồng xu này đã hồi sinh nhân vật chính, cho chúng ta cơ hội để phục hận.
8 năm trôi qua, nhân vật chính giờ đây đã 20 tuổi và trở thành một võ sinh cứng cỏi của môn phái Bạch Mi Quyền. Hành trình trả thù của chúng ta cũng chính thức bắt đầu, với trợ tá đắc lực là chuỗi đồng xu.
BẠN SẼ THÍCH
“Tôi biết Kung Fu”
Trong bộ phim Ma Trận năm 1999, có một phân cảnh mà người viết nhớ mãi.
Đó là lúc Neo cắm bộ não vào máy tính để học võ suốt 10 tiếng đồng hồ, tỉnh dậy, nói với Morpheus “Tôi biết Kung Fu”, để rồi có một trong những trận đấu võ thuật đẹp nhất lịch sử điện ảnh.
Thứ đáng chú ý nhất phân cảnh này đó là vẻ mặt rạng rỡ của Neo, khi anh không ngờ rằng cơ thể của mình có thể thi triển các đòn thế võ thuật phức tạp đến thế.
Khi người viết chơi game Sifu, cảm giác cũng gần giống Neo vậy.
Với sự kết hợp giữa chuột trái và phải (trên PC) và các nút di chuyển, người viết có thể tung ra các chuỗi đòn thế võ thuật đẹp mắt. Không chỉ để gây sát thương, những chuỗi đòn còn có đặc tính riêng biệt, như đạp đối thủ ra xa hoặc gạt ngã chân…
Cảm giác còn “đã” hơn khi chúng ta ra đủ đòn liên tục để khiến kẻ địch choáng váng, tạo cơ hội để tung ra đòn kết liễu, khi đối thủ chỉ có thể đứng yên lãnh đòn như một bao cát.
Bên cạnh đấm đá thông thường, một yếu tố khác của Sifu là những “Focus Attack”. Đây là một dạng đòn thế đặc biệt mà chúng ta có thể tung ra khi thanh “tập trung” của đầy.
Không đẹp mắt và tàn bạo như những đòn “Heat” hoặc “Ex Attack” của dòng game Yakuza hay Judgment, Focus Attack phục vụ mục đích khác, đó là khiến cho kẻ địch sơ hở tạm thời để người chơi có thể tung ra một chuỗi đòn có sát thương cao.
Kết hợp những yếu tố trên với một hệ thống nâng cấp tương đối đa dạng về mặt chiêu thức, và cái chúng ta có là một trải nghiệm Kung Fu thú vị, cuốn hút.
Nhưng mà… kẻ địch cũng biết võ
Ở thế giới của Sifu, có lẽ ai cũng tập võ. Sở dĩ có thể nói điều này, đó là vì …
- A) Bước vào hang ổ tội phạm nhưng chẳng ai xài súng cả, chúng chỉ xài “hàng lạnh” như dao, gậy dài, gậy ngắn,…
- B) Chỉ cần một phút bất cẩn, kẻ địch sẽ “làm gỏi” bạn
Trong nhiều tựa game đánh đấm, người chơi có thể tự do liên tục sử dụng các đòn tấn công mạnh nhất của mình để tiêu diệt kẻ thù trước mặt, hoặc ít nhất là luôn chủ động tấn công để giành chiến thắng nhanh nhất có thể.
Việc tung ra những chuỗi đòn đẹp mắt chắc chắn sẽ rất thú vị và dễ mang lại cho người chơi cảm giác rằng mình là một thế lực không thể ngăn cản, nhưng đó không phải là điều mà Sifu muốn bạn trải nghiệm.
Khi bước vào một căn phòng có 5-10 kẻ địch, theo thói quen, bạn sẽ chạy nhanh đến kẻ địch gần nhất và đấm cho hắn một phát để bắt đầu chuỗi đòn, đúng không? Trong khi bạn làm điều đó, những kẻ khác sẽ vây quanh bạn để tấn công từ sau lưng.
Và chúng không làm điều đó một mình, thay vào đó, 2 hay thậm chí là 3 tên sẽ tấn công cùng lúc.
Phản xạ đầu tiên của bạn lúc này có lẽ sẽ là đỡ đòn, nhưng trong Sifu, số lượng đòn mà bạn có thể đỡ sẽ bị giới hạn bởi thanh sức chịu đựng. Thanh này tăng mỗi khi trúng đòn và sẽ tăng rất nhanh, bởi vì như người viết đã nói ở trên, kẻ địch trong game này cũng biết võ, nên đòn của chúng… rất đau!
kẻ địch cũng có thể đỡ và hất đòn của bạn luôn nhé, vì thế chủ động tấn công không phải là một chiến thuật bạn có thể lạm dụng đâu
Một khi thanh sức chịu tăng đầy và bể, bạn sẽ bị choáng và phải ăn đòn, chỉ sau vài đòn của địch, bạn sẽ toi mạng.
Như vậy, bạn sẽ phải làm quen với cơ chế né đòn tại chỗ, né đòn khi di chuyển và hất đòn (Parry) của Sifu để có thể sống sót trước sự hung bạo của kẻ địch.
Nếu Parry được đòn của địch, thì bạn cũng sẽ có cơ hội để phản công. Nhìn chung, nếu bạn đã chơi qua Ghost of Tsushima thì cơ chế phòng thủ của Sifu cũng tương tự như vậy.
À, quên nói, kẻ địch cũng có thể đỡ và hất đòn của bạn luôn nhé, vì thế chủ động tấn công không phải là một chiến thuật bạn có thể lạm dụng đâu.
Chết không phải là hết!
Bạn còn nhớ cái chuỗi đồng xu thần kỳ người viết nhắc bên trên chứ? Nó là cơ chế quan trọng nhất của game.
Trong Sifu, chúng ta không có vật phẩm hồi máu, và kẻ địch vừa mạnh vừa đông, vì thế không sớm thì muộn bạn sẽ chết.
Khi chuyện này xảy ra, chuỗi đồng xu sẽ hồi sinh bạn, với một cái giá…
Đó chính là tuổi tác của bạn. Bắt đầu hành trình với tuổi 20, sau khi chết bạn sẽ tăng một tuổi thành 21.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ đi chết lại liên tục 55 lần để đến 75 tuổi, tức giới hạn của game.
Thay vào đó, lần đầu chết, bạn sẽ tăng 1 tuổi, nhưng nếu lần chết tiếp theo diễn ra quá sớm, bạn sẽ tăng 2 tuổi, và chết sớm thêm lần nữa thì tăng 3 tuổi…
Con số này chỉ giảm khi bạn hạ gục được các “miniboss” (trùm phụ) cố định của màn chơi.
Khi bạn chết, trò chơi sẽ đưa bạn vào trình đơn “menu” nâng cấp để “mua” những chiêu thức mới bằng điểm kinh nghiệm.
Hành động này như thể nói với người chơi rằng nên rút kinh nghiệm, vừa chết vì kẻ địch tung đòn nào thì mua chiêu khắc phục đòn đó.
với độ khó cao và cơ chế hồi sinh thú vị, Sifu sẽ giữ chân người chơi khá lâu
Chẳng hạn, người viết từng chết vì bị một kẻ địch chơi chiêu “quét trụ” liên tục, thế là người viết mua ngay khả năng phản đòn từ vị trí đang nằm.
Chuỗi đồng xu có 5 đồng, tượng trưng cho cột mốc tuổi là 30, 40, 50, 60 và 70.
Khi bạn chạm đến một cột mốc tuổi thì một đồng xu sẽ vỡ, thanh máu của bạn sẽ bị ngắn bớt nhưng bù lại, đòn tấn công của bạn sẽ có sức sát thương cao hơn.
Hơn nữa, khi về già, một số chiêu thức cũng sẽ bị khóa lại nếu bạn chưa mua lúc trẻ. Điều này khiến bạn phải cân nhắc đến chiến thuật chơi hiện tại.
Sifu là một trò chơi tương đối ngắn với chỉ 5 màn. Song với độ khó cao và cơ chế hồi sinh thú vị, Sifu sẽ giữ chân người chơi khá lâu, vì chắc chắn bạn sẽ quyết tâm hoàn thành tất cả các màn mà không chết mạng nào.
Những bối cảnh đẹp mắt!
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động/võ thuật nổi tiếng, không lạ gì khi những màn chơi của Sifu diễn ra tại các địa điểm mang tính biểu tượng.
Chẳng hạn như võ đường lấy cảm hứng từ phim Tinh Võ Môn, hành lang hẹp từ Oldboy, rừng tre từ Thập Diện Mai Phục, hộp đêm và phòng trưng bày nghệ thuật từ John Wick & John Wick 2, vườn đầy tuyết từ Kill Bill…
Thậm chí, ở một số phân cảnh hành lang, trò chơi còn cố tình chuyển góc quay thành 2D để đảm bảo người chơi sẽ liên tưởng đến Oldboy nữa.
Tất cả những địa điểm khiến cho người viết cảm thấy như mình đang điều khiển tình tiết của một bộ phim võ thuật, và cảm giác còn mạnh hơn nữa nếu chúng ta tắt hết HUD (Heads Up Display – hiển thị thông tin).
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hành động/võ thuật nổi tiếng, không lạ gì khi những màn chơi của Sifu diễn ra tại các địa điểm mang tính biểu tượng.
BẠN SẼ GHÉT
Một số phiền toái nhỏ
Bạn bước vào trận đấu, hạ gục liên tiếp từ kẻ địch này qua kẻ địch khác bằng những đòn thế đẹp mắt.
Tuy nhiên, đến mục tiêu tiếp theo, bạn đánh hắn choáng, thực hiện chiêu kết liễu thì bỗng nhiên… hắn chặn chiêu của bạn, thanh máu được phục hồi và dài hơn gấp bội, đi cùng với đó là những đòn tấn công mạnh hơn trước…
“Chuyện gì đang xảy ra vậy?”- Bạn tự hỏi.
Hóa ra, đây là một cơ chế mà Sloclap tích hợp vào game. Họ muốn người chơi hiểu rằng võ sĩ giỏi tồn tại khắp nơi, chỉ có đụng chuyện mới biết.
Nhưng nếu thế, tại sao gã địch giỏi võ đó không thể hiện ngay từ đầu, để tới lúc người chơi thực hiện chiêu kết liễu mới phản kháng? Đã vậy, nếu như người chơi không xài chiêu kết liễu thì gã võ sĩ đó chịu trận luôn à?
Phiền toái thứ hai, đó là cơ chế tự lưu (auto save).
Cụ thể hơn, trong một trận đấu “boss”, người viết bước vào trận đấu ở tuổi 30. Sau một hồi giao đấu (và chết 2 lần), người viết đã thuộc sơ sơ bộ chiêu của hắn và quyết định thoát game vào lại.
Tuy trò chơi đưa người viết bắt đầu trở lại căn phòng trước khi trận đấu trùm diễn ra, số tuổi của người viết lại là 33…
Như vậy, trò chơi sẽ lưu lại tiến độ của bạn ở ngay điểm dừng chân, nhưng lấy độ tuổi lúc thoát ra. Một quyết định khá khó hiểu!
Thứ ba, đó là yêu cầu để mua chiêu hơi oái ăm.
Khi vào trình đơn (menu) mua chiêu (tại điểm dừng chân hoặc lúc chết – NV), chúng ta sẽ có hai cách: tạm thời hoặc mãi mãi.
Ví dụ, chiêu quét chân địch mà người chơi cần có giá 500XP, chỉ cần chi 500XP là được xài ngay.
Tuy nhiên, chiêu này sẽ mất khi bạn kết thúc cuộc đời – tức là mất mạng ở tuổi 75.
Muốn giữ chiêu này luôn thì chúng ta phải mua theo cách mãi mãi, nhưng mức giá để làm điều này đắt gấp 5 lần giá gốc.
Do đó, để sở hữu những chiêu cần thiết cho những “lượt chạy” tiếp theo, đôi khi chúng ta phải chủ động “cày” lại các màn cũ, khá mất thời gian.
Kể ra là thế, nhưng người viết sẽ không trừ điểm những yếu tố này quá nhiều, vì ảnh hưởng tiêu cực mà chúng đem lại không lớn.
tại sao gã địch giỏi võ đó không thể hiện ngay từ đầu, để tới lúc người chơi thực hiện chiêu kết liễu mới phản kháng?
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post