Nội Dung Bài Viết
Hầu như ai cũng đều không thích việc chờ đợi cả, và đối với nhiều game thủ thì lúc ngồi chờ màn hình loading là một cực hình. May mắn là các nhà phát triển đã thấu hiểu nỗi khổ này và quyết định sáng tạo ra cảnh loading vui nhộn hơn, tạo hứng thú cho người chơi trong lúc chờ đợi. Thường thì đây sẽ là những minigame khá thú vị, giúp game thủ có “công ăn chuyện làm” trong lúc chờ máy chuẩn bị các thứ cần thiết để vào màn chơi chính. Sau đây là top 10 tựa game có cảnh loading lôi cuốn khiến game thủ cảm thấy hạnh phúc là khi đợi chờ.
Dragon Ball: Ultimate Tenkaichi
Nếu như bạn đã từng chơi hoặc xem qua series Dragon Ball Z, bạn sẽ biết rằng tất cả các phần của series này đều sở hữu cho mình những phân cảnh loading mang tính giải trí cao. Tuy nhiên, để nói rằng phần game nào có cảnh loading được ưa chuộng nhất thì chỉ có Dragon Ball: Ultimate Tenkaichi ra mắt hồi 2011 mà thôi. Mặc dù không được đánh giá là phần game hay nhất của series, Ultimate Tenkaichi lại có những phân cảnh loading khiến game thủ còn yêu thích hơn cả gameplay chính của game.
Khi cảnh loading xuất hiện, trên màn hình sẽ xuất hiện các viên thuốc dạng con nhộng của tập đoàn Capsule đang bay lơ lửng trên bầu trời, và nhiệm vụ của bạn đó là bắn hạ các viên con nhộng đó. Các viên con nhộng Capsule Corp này được tạo ra nhằm mục đích thu nhỏ các vật dụng to lớn vào bên trong viên nhộng đó để tiện cho việc di chuyển, tuy nhiên ở màn hình loading thì nó lại trở thành bia tập bắn để bạn giải trí trong lúc chờ. Đây có thể nói là một sáng kiến rất hay, bởi vì nó khiến cho người chơi tập trung vào việc điều chỉnh tâm ngắm để bắn trúng mục tiêu, từ đó xua tan cảm giác mệt mỏi trong lúc chờ đợi. Thậm chí, bạn còn sẽ cảm thấy mất cả hứng khi đang máu lên mà tự nhiên game lại load xong nữa đấy.
Lollipop Chainsaw
Khi chủ đề về đại dịch zombie đang dần trở nên phổ biến, các nhà làm game cần phải vắt óc suy nghĩ xem game của mình nên có điểm nhấn gì để tạo được sự đặc biệt trong mắt game thủ. Không biết các hãng làm game khác thế nào chứ đối với trường hợp của Lollipop Chainsaw, các nhà làm game đã quyết định sử dụng hình ảnh một cổ động viên nữ của trường trung học tên là Juliet để tạo điểm nhấn. Không hề đơn giản như bao cô nữ sinh cùng trang lứa khác, Juliet lại đam mê săn sùng zombie và xé xác chúng bằng chiếc máy cưa của mình.
Lollipop Chainsaw được nhiên là một tựa game mang tính bạo lực, và điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật Juliet. Ấy thế mà thật buồn cười thay khi cảnh loading của tựa game này lại hoàn toàn trái ngược so với gameplay của nó. Màn hình loading của Lollipop Chainsaw là một cảnh Juliet yêu đời đang đẹp chiếc xe đẹp của mình băng băng trên một con đường nhỏ, ở phía xa xa là các tòa nhà và một bầu trời xanh thẳm tràn đầy yên bình. Thêm vào đó là một bản nhạc nền theo kiểu nhạc cổ động viên vô cùng bắt tai. Thậm chí là trên Youtube còn có hẳn những video dài tận 1 tiếng chỉ để lặp đi lặp lại đoạn nhạc này. Có thể nói, cảnh loading này của Lollipop Chainsaw như một trạm dừng chân ngắn giúp game thủ cảm thấy thư giãn sau những pha đâm chém kịch tích với bọn zombie.
Assassin’s Creed
Gameplay ám sát thật ra không còn được xem là mới mẻ khi Assassin’s Creed ra mắt vào năm 2007. Tuy nhiên, tựa game này lại vô cùng thành công và được rất nhiều game thủ đón nhận, sau đó dựng hẳn cho mình một tượng đài mang tên Assassin’s Creed cho tới tận bây giờ. Tất cả đều là nhờ vào khả năng tiếp thu ý tưởng và khả năng chuyển đổi phong cách của game ám sát thành một hình thức nghệ thuật đẹp mãn nhãn của Assassin’s Creed lúc bấy giờ.
Khi game thủ đi đến một số “checkpoint” nhất định, game sẽ bắt đầu hiển thị các đoạn cắt cảnh để diễn tả cốt truyện game và cảnh loading để game tải bản đồ mới. Tuy nhiên, cảnh loading của Assassin’s Creed không bắt người chơi phải ngồi im và dán mắt vào màn hình chờ game tải xong, mà người chơi hoàn toàn có thể điều khiển được nhân vật theo ý muốn của mình. Cụ thể thì nhân vật của bạn sẽ được quăng vào một không gian trống trơn một cách kỳ bí. Tại đây, các bạn có thể điều khiển nhân vật chạy, nhảy, lộn nhào, đánh đấm, bắn cung và luyện tập một vài combo, vân vân. Cũng bởi vì bạn có thể làm tất cả mọi thứ mà nhân vật trong gameplay bình thường có thể làm, bạn sẽ hiếm khi chịu để cho nhân vật của mình đứng yên. Và cũng bởi vì bạn có thể điều khiển tùy ý nên sẽ không cảm thấy nhàm chán trong lúc đợi game tải xong.
Spec Ops: The Line
Spec Ops: The Line là tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba khá là kịch tính, và đây cũng là phần thứ 10 trong series Spec Ops. Game có chế độ chơi mạng và một số tính năng khác cũng rất hấp dẫn, giúp Spec Ops: The Line nổi bật hẳn so với những tựa game cùng thể loại. Một yếu tố khác cũng ấn tượng không kém, đó chính là cốt truyện được làm rất chỉn chu, thậm chí ngay cả khi bạn nhìn cảnh loading trên màn hình cũng thu thập được thêm một số thông tin về câu chuyện đằng sau.
Khi màn hình loading hiện lên thì câu chuyện vẫn được tiếp nối bằng cách hiển thị những cảnh buồn bã kèm theo đoạn chữ khiến game thủ phải trầm ngâm một hồi lâu. Chúng đều được dàn trải xuyên suốt game nên càng đào sâu vào cốt truyện, bạn sẽ càng thấy được nhiều thông tin hữu ích. Ngoài ra, cảnh loading này còn cho phép game thủ thả lỏng bản thân, bình tĩnh trở lại sau những màn đọ súng đầy căng thẳng.
Những câu như “Can you even remember why you came here” (Bạn có nhớ vì sao bạn lại đến đây không) sẽ xuất hiện rải rác trên những màn hình loading, khiến game thủ suy nghĩ nhiều về nhân vật chính lẫn bản chất của bạo lực và chiến tranh; rồi sau đó màn chơi chính lại hiện lên, và game thủ lại tiếp tục xông pha mặt trận.
Rayman Origins
Rayman là một trong những nhân vật khá nổi tiếng kể từ lúc ra mắt vào năm 1995, và kể từ đó thì Rayman đã xuất hiện trong 45 game khác nhau. Rayman Origins ra mắt vào năm 2011 trong sự đón nhận nồng nhiệt của fan nhờ có gameplay 2D tương tự như những phần đầu tiên, mang lại cảm giác hoài cổ cho người chơi. Bên cạnh những tính năng thú vị như chế độ co-op 4 người, nhân vật dễ thương thì Rayman Origins còn có cảnh loading vô cùng mới lạ, đặc biệt là đối với thể loại đi cảnh giải đố.
Cảnh loading này không chỉ đơn thuần là chơi cho vui (mà nó vui thiệt!) mà nó còn giúp ích cho bạn trong màn chơi tiếp theo đó. Màn hình loading sẽ được lấy cảm hứng từ một khu vực trong game, nhưng nó sẽ có thêm một số thay đổi. Người chơi có thể tìm đường chạy để thu thập một cái bình chứa trái tim, và nếu thành công thì bạn sẽ có thêm 1 mạng trong màn chơi chính. Và cũng chính vì phần thưởng lớn như vậy nên cảnh loading trong Rayman Origins cũng “căng não” không kém, đòi hỏi bạn phải thật tập trung để có thêm 1 mạng quý giá, khi vào màn chơi chính sẽ “dễ thở” hơn một chút.
Bayonetta
Bayonetta là tựa game hành động chặt chém khá là hào nhoáng, ra mắt hồi năm 2009. Nhân vật chính là một cô nàng phù thủy tên Bayonetta có khả năng biến hình, thi triển nhiều phép thuật tấn công, thậm chí biết dùng súng bắn xối xả vào kẻ địch luôn. Nhìn chung thì game đánh đấm đã tay đã mắt, nhưng ngoài nhân vật chính ra thì trò này còn khiến game thủ ấn tượng ở cảnh loading nữa.
Khi bạn hoàn thành 1 màn chơi thì cảnh loading sẽ hiện lên. Thay vì chiếu một đoạn phim cắt cảnh hay mấy tấm hình cho game thủ “rửa mắt” thì nhà phát triển lại đưa người chơi vào một khu vực vô cùng an toàn và tĩnh mịch, không hề có bóng dáng của kẻ địch. Tại đây, bạn có thể “luyện công”, tập những chiêu thức combo và hoàn thiện kỹ năng chiến đấu của mình. Cơ bản thì những gì mà bạn làm được trong màn chơi chính đều có thể thực hiện và thử nghiệm tại đây. Vì Bayonetta tập trung vào việc thi triển những đòn tấn công chí mạng nên việc bạn có nơi có chỗ để tập luyện mấy chiêu thức này tính ra cũng hữu ích đó chứ!
Invade-A-Load
Invade-A-Load là một trong những tựa game đình đám vào cái thời Commodore 64 còn làm mưa làm gió. Điều đặc biệt trong game này là người chơi có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những lúc Invade-A-Load đang hiện cảnh loading. Thay vì nhìn biểu tượng xoay vòng vòng hay đồng hồ cát lật ngược khi chảy hết cát, game thủ lại được chơi một tựa game tương tự Space Invaders đình đám.
Commodore 64 load game khá chậm, nên việc được chơi một minigame trong lúc chờ đợi nhiều khi còn quý hơn vàng nữa các bạn ạ. Nó xuất hiện nhiều tại thị trường Vương quốc Anh và thường được chép vào trong cuộn băng “compact cassette”. Trong lúc nó đang được phổ biến tại Vương quốc Anh thì tại thị trường Mỹ và một số nước khác đã bắt đầu chuyển sang dùng đĩa mềm (floppy disks), khiến Invade-A-Load không thật sự quá nổi tiếng ở các thị trường ngoài Vương quốc Anh.
Onechanbara: Bikini Samurai Squad
Onechanbara: Bikini Samurai Squad là một tựa game kinh dị, hành động chặt chém, ra mắt trên Xbox vào năm 2009. Như tên gọi của mình, game đầy đủ những yếu tố khiến các game thủ nam thích thú như zombie đông đúc, máu me phèo phổi và đặc biệt là mấy quý cô xinh xắn mặc đồ mát mẻ. Game không được đón nhận khi nó ra mắt và bị chê tơi tả từ đồ họa cho đến lối chơi. Tuy nhiên riêng cái màn hình load game của nó thì lại là điểm sáng khiến người ta thích thú.
Khi bạn vào cảnh loading, game sẽ cho bạn chơi một mini game 8-bit trong lúc chờ. Bạn sẽ đi tới đi lui và gõ mấy con quái lùn lùn nhìn như xì trum. Quái sẽ được thả ra vô tận để bạn đỡ rảnh tay trong lúc chờ. Thành thật mà nói thì nhiều khi cái trò này nó còn cuốn hơn cả game gốc luôn ấy chứ.
Devil May Cry 3: Dante’s Awakening
Khi Devil May Cry 3: Dante’s Awakening được phát hành vào năm 2005 thì nó được đánh giá cao vì đã mang phong độ của dòng game quay trở lại. Tuy nhiên có một vấn đề là nó hơi bị khó. Khó ở chỗ muốn chơi được game thì bạn phải đi combo cho thật nhuyễn, phải biết cách kết hợp các đòn thế khác nhau trong game. Đây chắc chắn không phải là chuyện mà phần đông game thủ có thể làm trong một thời gian ngắn được. Thế nên nhà phát triển mới bày ra một cảnh loading đặc biệt giúp game thủ làm chủ game nhanh hơn.
Trong màn hình loading, bạn vẫn có thể bắn, chém, combo quyền cước vào cái chữ “loading”. Trò này hay ở chỗ vừa giúp bạn đỡ chán, vừa tạo điều kiện cho bạn khởi động và luyện tập trước khi màn chơi bắt đầu. Đúng là thông minh thật đấy chứ.
Ridge Racer
Quay trở lại những năm 90, Namco đã được cấp bằng sáng chế về một phương pháp giúp tránh “lãng phí thời gian không cần thiết” khi chơi game. Cụ thể hơn thì nó là phương pháp mà họ áp dụng trong cảnh loading của tựa game Ridge Racer, ra mắt trên hệ máy PlayStation hồi năm 1994.
Khi vào cảnh loading, game sẽ cho bạn chơi trò Galaxian – tựa game bắn ruồi siêu kinh điển. Trong khi bạn chơi thì máy vẫn sẽ load game. Và nếu bạn hoàn thành màn chơi trước khi cảnh loading kết thúc thì game sẽ có phần thưởng cho bạn. Với một hệ máy nổi tiếng là load lâu (vì chuyển từ băng game sang dùng đĩa) như PS đời đầu thì kiểu load này chắc chắn là đáng tuyên dương.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại Tải Game 247 như:
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!
Nguồn: Tải Game 247
Discussion about this post